Kỳ 4 - Vai trò của Mặt trận trong đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng thể hiện rõ

Những năm qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và nhân dân.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng luôn trăn trở: “đừng chỉ nhìn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí là việc của tập thể, việc của các ngành, các cấp, mà trước tiên phải tự nhìn vào chính mình qua những việc làm nhỏ nhất ở cơ quan, ở cộng đồng dân cư nơi mình đang sống, có lãng phí thời gian, tiền bạc của cơ quan, tổ chức hay không, có đóng góp sáng kiến gì cho cộng đồng mình sinh sống hay không…”

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Mặt trận giám sát nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc dân sinh

Những năm gần đây, hoạt động giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp hơn thông qua việc tập trung lựa chọn những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc, được cấp ủy, chính quyền đồng tình, ủng hộ với các hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt.

Qua 5 năm, thực hiện Quyết định 217/218 của Bộ Chính trị về giám sát phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc. Đến nay có 47/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình.

Chia sẻ với chúng tôi về kết quả giám sát của MTTQ Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho biết: Thống kê của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện 10 nội dung giám sát theo kế hoạch; tổ chức được tổng số 22 cuộc giám sát tại 18 địa phương, đơn vị.Trong đó, Ban Thường trực đã thực hiện 06/10 nội dung giám sát theo kế hoạch.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam trao đổi với phóng viên. (Ảnh: TTXVN)

Ông Ngô Sách Thực còn cho biết thêm: Trong thời gian này Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cònthực hiện giám sát nhiều nội dung quan trọng như: giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân; Giám sát việc thực hiện cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Trong đó thực hiện việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan; kiểm tra mô hình “Một cửa, một lần dừng”; Thí điểm giám sát việc “Công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn địa phương”, ngoài ra Mặt trận và các tổ chức thành viên còn làm tốt công tác Giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Ðáng chú ý trong các địa phương ở khu vực ĐBSCL, An Giang được đánh giá là tỉnh phát huy rất tốt hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng. Ðược biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 156 Ban Thanh tra nhân dân, 13 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (143 Ban thanh tra nhân dân đảm nhận nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng) tại xã, phường, thị trấn với 1.643 thành viên.

Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và hỗ trợ của chính quyền địa phương, tham gia giám sát đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong thực hiện các nội dung dân chủ cơ sở.

Thực hiện các nội dung dân biết, dân bàn, dân thực hiện và kiểm tra, giám sát; thực hiện giám sát thái độ, tác phong và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại văn phòng một cửa, giám sát các công trình phúc lợi ở cơ sở, việc quản lý, sử dụng nguồn đóng góp của nhân dân...

Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang tại một hội nghị. (Ảnh: Đại Đoàn kết)

Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang chia sẻ với phóng viên về những kết quả nổi bật của công tác này trong 2 năm qua: Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã giám sát 2.584 vụ, việc được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó giám sát hơn 1.224 công trình phúc lợi có sự tham gia đóng góp của nhân dân.

Qua giám sát, đã thực hiện 284 kiến nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thẩm quyền khắc phục, xử lý 265 vụ, việc còn sai sót, hạn chế về chất lượng công trình, nhất là thu hồi cho Nhà nước và nhân dân số tiền 248 triệu đồng... tạo niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

Câu chuyện về ông Bùi Cát Vũ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 2, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh về tấm gương đấu tranh phòng chống tham nhũng được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc họp có liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Gặp chúng tôi, ông Bùi Cát Vũ kể lại: Đó là một buổi chiều của năm 2016, sau khi nhận được phản ánh của một số hộ dân họ đã đóng tiền nước nhưng phía Công ty Cấp nước lại cho rằng 17 hộ dân có chung đồng hồ tổng không đóng tiền nước. Ông Cát đã đến gặp từng hộ dân để xác minh cụ thể, qua gặp gỡ những hộ dân này mới biết là họ đã đóng từ lâu cho Tổ trưởng và Tổ phó Tổ dân phố 13.

Ông Bùi Cát Vũ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 2, phường 16, quận 8, TP HCM. (Ảnh: Đại Đoàn kết)

Sau đó ông Bùi Cát Vũ đã báo sự việc lên chính quyền và MTTQ phường. Phường 16 đã nhanh chóng thành lập Ban kiểm tra, xuống khu phố để xác minh, tìm hiểu tình hình. Ban kiểm tra bao gồm đại diện UBND, UBMTTQ phường, đại diện các tổ chức thành viên và ông Vũ - Trưởng Ban Công tác Mặt trận.

Qua xác minh thì được biết bà Tổ phó Tổ dân phố 13 đã “ém” số tiền nước của các hộ dân không nộp lên Công ty Cấp nước khiến Công ty đành phải cắt nước của dân.

Qua kết quả làm việc của Ban kiểm tra, xác minh kết quả, phường 16 đã thu hồi số tiền 18 triệu đồng nộp cho bên cấp nước, đồng thời cho thôi chức Tổ phó Tổ dân phố 13 đối với người vi phạm.

Câu chuyện của ông Bùi Cát Vũ mức độ vi phạm tuy nhỏ nhưng đây là câu chuyện đấu tranh phòng chống tham nhũng từ cấp cơ sở rất được quan tâm. Nếu không được giải quyết rốt ráo ở các địa bàn dân cư, việc nhỏ sẽ “góp gió thành bão” khiến lòng dân “dậy sóng”, địa bàn không thể yên ổn được…

Những năm gần đây Mặt trận các tỉnh, thành luôn xem công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP) là một trong những nhiệm vụ thường xuyên vì vậy các cấp Mặt trận luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia.

Công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động trong nhân dân đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội đối với việc PCTNLP. Sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên đối với công tác này của Mặt trận đang dần được chuyển hóa thành những hoạt động thiết thực cụ thể.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp hơn thông qua việc tập trung lựa chọn những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm, bức xúc để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực vào công tác PCTNLP.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương. Các nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện được Chính phủ kịp thời có văn bản phúc đáp và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện; đồng thời, quan tâm hỗ trợ về kính phí bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bảo Hà - Thanh Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vai-tro-cua-mat-tran-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-ngay-cang-the-hien-ro-d99515.html