Kỳ 3: Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh để bảo vệ vị thế đồng USD

Do những lợi thế then chốt và có ý nghĩa sống còn của đồng USD - dầu mỏ đối với nền kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia bằng mọi phương thức, Mỹ giành quyền kiểm soát bằng được tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trên khắp thế giới, không chấp nhận đồng tiền của bất kỳ quốc gia nào có thể cạnh tranh với vị thế của đồng USD.

Máy bay chiến đấu F-16A, F-15C và F-15E bay trên các giếng dầu bị đốt cháy ở Kuwait trong “Chiến dịch Bão táp Sa mạc”_Ảnh: defense.gov

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất

Năm 1989, lãnh đạo Liên Xô đồng ý dỡ bỏ Bức tường Berlin và chấp nhận thống nhất nước Đức, mở đầu kỷ nguyên kết thúc Chiến tranh lạnh. Nhận thấy đây là thời cơ có một không hai, Mỹ bắt đầu tiến hành “cuộc thập tự chinh” để kiểm soát các khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trên khắp thế giới nhằm duy trì mãi mãi vị thế của USD - dầu mỏ, trước hết là ở Trung Cận Đông. Tại đây, Arab Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới đã là đồng minh then chốt của Mỹ. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu trong “cuộc thập tự chinh” này là kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của những quốc gia từng chịu ảnh hưởng rất lớn của Liên Xô như Iraq, Libya, Syria và Iran. Trong số những quốc gia này, Mỹ chọn Iraq làm hướng “đột phá khẩu” với nhiều lý do. Một là, Tổng thống Saddam Hussein là nhà lãnh đạo bị các nước trong khu vực coi là “nhà độc tài”, “tham nhũng”, kẻ chủ trương tiến hành chiến tranh xâm lược Iran từ năm 1980 đến năm 1988, nếu Mỹ quyết định loại bỏ ông ta thì sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực. Hai là, Saddam Hussein theo đuổi tham vọng đưa Iraq trở thành cường quốc khu vực, đe dọa vị thế của Arab Saudi. Ba là, Iraq là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn hàng đầu thế giới có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tư thế giới. Bốn là, Saddam Hussein theo đuổi tham vọng thôn tính Kuwait mà ông ta coi chỉ là tỉnh thứ 19 của Iraq. Trong khi đó, Kuwait đứng thứ 6 thế giới về trữ lượng dầu mỏ.

Có thể nói, những điểm trên, đặc biệt là tham vọng thôn tính Kuwait của Saddam Hussein rất có lợi cho những toan tính của Mỹ. Chính vì vậy, ngày 2-8-1990, với cáo buộc chưa được kiểm chứng rằng Kuwait đã “khoan giếng dầu của họ chệch sang biên giới Iraq”, Saddam Hussein ra lệnh đưa quân tiến vào Kuwait, Mỹ cũng ngay lập tức có hành động.

Ngày 6-8-1990, theo đề xuất của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Iraq để đáp trả hành động quốc gia này chiếm đóng Kuwait. Ngày 7-8-1990, với lý do “bảo vệ các nước Arab trước nguy cơ bị Iraq xâm lược”, Mỹ phát động “Chiến dịch Lá chắn sa mạc” để bảo vệ Arab Saudi, chính thức đưa quân hiện diện lâu dài trên lãnh thổ quốc gia này. Ngày 29-11-1990, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 678 cho phép Iraq thời hạn đến ngày 15-1-1991 phải rút quân khỏi Kuwait, đồng thời các lực lượng liên minh đa quốc gia do Mỹ chỉ huy có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt sự chiếm đóng của Kuwait. Đến hạn ngày 15-1-1991, Iraq vẫn chưa rút khỏi Kuwait, ngày 17-1-1991, lực lượng đa quốc gia gồm 33 nước mở đầu Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” chống lại Iraq. Trong cuộc chiến này, Mỹ và lực lượng đa quốc gia đánh sập tiềm lực kinh tế và quân sự của Iraq. Ngày 28-2-1991, Iraq buộc phải rút khỏi Kuwait. Ngày 3-3-1991, các bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn. Ngày 3-4-1991, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 687 kết thúc chiến tranh, lực lượng đa quốc gia rút khỏi Iraq. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc, mở đầu kỷ nguyên Mỹ hiện diện lâu dài và kiểm soát một khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai

Sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, mặc dù bị Mỹ cấm vận nhưng Iraq vẫn tiếp tục hợp tác với các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Để trả đũa Mỹ đã đưa mình “sa bẫy” trong năm 1990, đầu năm 2000, Tổng thống Iraq Saddam Hussein quyết định xuất khẩu dầu mỏ sang các nước châu Âu bằng đồng euro - một trong những ngoại tệ mạnh đang cạnh tranh với vị thế USD. Có thể thấy, lịch sử của đồng euro là lịch sử của châu Âu muốn thoát khỏi “vòng kim cô” của Mỹ.

Sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971 và Mỹ chuyển USD bản vị vàng sang USD bản vị dầu mỏ, Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu - tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) - chuẩn bị thực hiện kế hoạch xây dựng một loại tiền tệ thống nhất của châu Âu để cạnh tranh với USD. Thực thi kế hoạch này, Liên minh Tỷ giá hối đoái châu Âu được thành lập vào năm 1972 - tiền thân của Hệ thống tiền tệ châu Âu vào năm 1979. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo đảm cho các nước châu Âu tránh được rủi ro từ sự thao túng của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới thông qua USD - dầu mỏ. Từ đó, một đơn vị tiền tệ mới chung cho châu Âu ra đời là European Currency Unit, gọi tắt là ECU - tiền thân của đồng tiền chung châu Âu (euro) sau này. Năm 1988, một ủy ban chuyên trách được thành lập để xem xét khả năng xây dựng Liên minh Kinh tế và Tiền tệ. Ngày 1-7-1990, các nước châu Âu đạt được thỏa thuận thiết lập cơ chế tự do lưu chuyển vốn giữa các nước trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu trên cơ sở sử dụng đồng tiền chung ECU. Ngày 1-11-1993, EU chính thức được thành lập theo Hiệp ước Maastricht và sử dụng đồng tiền chung châu Âu, gọi tắt là euro. Đến ngày 1-1-2002, euro được chính thức phát hành và sử dụng rộng rãi đến người tiêu dùng. Như vậy, quyết định của Tổng thống Iraq Saddam Hussein xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu bằng euro là thách thức “chết người” đối với USD và Mỹ quyết định một lần và mãi mãi kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của Iraq. Đó là lý do để Mỹ phát động Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai.

Trong Thông điệp Liên bang tháng 1-2002, Tổng thống Mỹ G.W. Bush công khai ý định về một cuộc can thiệp quân sự vào Iraq, trong đó ông coi Iraq là 1 trong 3 thành viên của “trục ma quỷ” cùng với Iran và Triều Tiên và tuyên bố: “Mỹ sẽ không cho phép các chế độ nguy hiểm nhất thế giới này đe dọa chúng ta bằng thứ vũ khí nguy hiểm nhất thế giới”. Trong bài phát biểu ngày 12-9-2002 trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống G.W. Bush cũng thể hiện quyết tâm của Mỹ lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein.

Tháng 10-2002, Quốc hội Mỹ thông qua “Nghị quyết Iraq” cho phép tổng thống “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để chống lại Iraq. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngày 5-2-2003, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Powell cầm chiếc lọ thủy tinh chứa chất bột trắng và phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để chứng minh rằng chính quyền Iraq đang che giấu việc sở hữu vũ khí hóa học sát thương hàng loạt và yêu cầu Hội đồng thông qua nghị quyết phát động chiến tranh để “loại bỏ nguy cơ vũ khí hóa học của Iraq”. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết nghị quyết này. Đến tháng 2-2003, 64% số người Mỹ ủng hộ tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm lật đổ Saddam Hussein. Tuy nhiên, các thông tin mà Colin Powell nêu ra hầu hết đều dựa trên tuyên bố của một người Iraq có tên là Rafid Ahmed Alwan al-Janabi đang sống lưu vong ở Đức thời điểm đó. Theo lời kể của Rafid Ahmed Alwan al-Janabi, anh ta từng là một kỹ sư hóa học làm việc tại một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học bí mật của Iraq. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng lời khai của Rafid Ahmed Alwan al-Janabi làm cơ sở để cáo buộc Chính phủ Iraq đang tiến hành chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy vậy, câu chuyện của người này về sau đã được Nhóm điều tra về Iraq của Chính phủ Mỹ xác nhận là không chính xác. Pháp, Đức, Canada và Nga đều phản đối kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ ở Iraq và kêu gọi một giải pháp ngoại giao. Trong khi đó, phát biểu ngày 17-3-2003, Tổng thống Mỹ G.W. Bush yêu cầu Saddam Hussein và 2 con trai của ông ta là Uday và Qusay hãy đầu hàng, rời khỏi Iraq trong vòng 48 giờ. Ngày 18-3-2003, Hạ viện Anh tổ chức một cuộc bỏ phiếu để quyết định về việc nên hay không tham gia cùng Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq, với kết quả là số nghị sĩ ủng hộ chiến tranh đạt con số áp đảo là 412 phiếu. Có 3 bộ trưởng thuộc Chính phủ Anh đã từ chức để phản đối cuộc chiến là John Denham, Lord Hunt of Kings Heath, và lãnh đạo Hạ viện Robin Cook. Ngày 20-3-2003, liên quân Mỹ và Anh tiến hành chiến dịch quân sự mang tên “Tự do cho Iraq”, lật đổ chính thể của Tổng thống Iraq Saddam Hussein, bắt giữ và xử tử ông ta.

Về sau, vào năm 2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn CNN, Thủ tướng Anh Tony Blair thừa nhận các báo cáo về việc Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt là sai sự thật. Còn Tổng thống Mỹ G.W. Bush cho biết, ông cảm thấy thất vọng và hối tiếc về thông tin tình báo sai lệch cho rằng Iraq sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt. Tuy nhiên, ông cho rằng việc lật đổ Saddam Husseinlà điều cần thiết. Sau cuộc chiến, Mỹ kiểm soát toàn bộ tài nguyên dầu mỏ của Iraq. Còn Iraq lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế - xã hội triền miên đến nay vẫn chưa kết thúc.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-3-hai-cuoc-chien-tranh-vung-vinh-de-bao-ve-vi-the-dong-usd-692502.html