Kuwait: Khi nhà giàu 'cháy túi'

Chính phủ và quốc hội mới của Kuwait đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mở cửa trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng, tương lai tài chính của quốc gia dầu mỏ này sẽ tiếp tục khủng hoảng do thâm hụt ngân sách tăng cao và kho tài sản rỗng.

Tình trạng nợ lương đối với người lao động thuộc khối hành chính công trong tháng Tư tới góp phần gia tăng độ khó cho bài toán kinh tế mà chính phủ Kuwait mới phải giải quyết. Bộ trưởng Tài chính Khalifa Hamada cho biết, nước này cần có giải pháp càng sớm càng tốt đối với tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính và sự cạn kiệt Quỹ Dự trữ chung (GRF).

Mất đi nguồn thu từ dầu mỏ và lao động nhập cư ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Kuwait. (Nguồn: Asian Times)

Mất đi nguồn thu từ dầu mỏ và lao động nhập cư ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Kuwait. (Nguồn: Asian Times)

Thâm hụt ngân sách đe dọa kinh tế

Cuộc khủng hoảng này đặt ra nghịch lý rằng, tại sao một quốc gia cung cấp tới 7% lượng dầu thô của toàn thế giới lại có thể lâm vào tình trạng khó khăn như vậy?

Các khoản đầu tư được thực hiện bởi GRF của Kuwait và Quỹ thế hệ Tương lai (FGF) ước tính lên đến con số 600 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư lớn, từ bất động sản đến chứng khoán, nhằm tạo nên vị thế và sức ảnh hưởng của Kuwait trên toàn cầu.

Ông Mohammad Al Joaun, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Kinh tế Kuwait, ước tính, khoảng 150 tỷ USD trong GRF đã biến mất. Quan chức này cũng muốn truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan và GRF phải giải trình vụ thất thoát công quỹ khổng lồ này.

Chính phủ Kuwait đang đề xuất kiểm soát cả quỹ FGF - vốn bị gián đoạn kể từ khi Kuwait tái thiết sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Theo chuyên gia James Swanson của Capital Economics London nhận định, các vấn đề nảy sinh nhằm trang trải thâm hụt của Kuwait hiện đang lên đến đỉnh điểm. Có rất nhiều vấn đề chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Khalifa Hamada cũng nói rằng, các bước để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay phải đi kèm với các cải cách kinh tế và tài chính triệt để, nhằm góp phần giảm chi tiêu và tăng nguồn thu bên ngoài ngành dầu mỏ.

Mất nguồn thu từ dầu mỏ và lao động nhập cư

Theo cơ quan xếp hạng tính dụng Fitch, nền kinh tế Kuwait từ lâu đã lệ thuộc vào dầu mỏ. Theo thống kê, năm 2020, dầu mỏ chiếm khoảng 90% doanh thu xuất khẩu của đất nước và 60% thu ngân sách của Chính phủ. Khoảng 80% lượng dầu mỏ của nước này được xuất khẩu đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó thị trường chính là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoài dầu mỏ, nguồn thu nhập chính khác của chính phủ là Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA), cơ quan có chủ quyền quản lý cả GRF và FGF. Tuy nhiên, quy mô chính xác của các quỹ này vẫn chưa được công bố và lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư rộng rãi của KIA (chủ yếu là ở nước ngoài) vẫn là ẩn số.

Khoảng 70% ngân sách chính phủ dành cho khu vực công, với 80% lao động nội địa đang sinh sống và làm việc trên một hệ thống trợ cấp rộng rãi, bao gồm điện giá rẻ, xăng, nước và các tiện ích khác như đất xây nhà, giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí.

Công dân Kuwait chiếm khoảng 30% trong tổng số 4,7 triệu dân của đất nước, 70% còn lại là người nước ngoài. Nền kinh tế dựa trên dầu mỏ và lao động nhập cư này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Giá dầu giảm dẫn đến một nửa doanh thu từ dầu mỏ bị sụt giảm, trong khi nhân công nước ngoài rời bỏ Kuwait về quê hương hoặc sang nước khác sinh sống.

Các số liệu chính thức cho thấy, vào năm 2020, dân số Kuwait đã giảm mạnh nhất trong 30 năm, với hơn 130.000 người nước ngoài rời đi. Khi hai yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm xuống mức gần 40 tỷ USD.

Trong khi các chính phủ khác có thể vay để trang trải các chi phí do Covid-19 gây ra, Kuwait không có luật nào cho phép chính phủ làm như vậy. Kể từ tháng 5/2020, Chính phủ nước này đã cố gắng thông qua Quốc hội để hiện thực hóa luật nợ công nhưng không thành công.

Khó khăn nội tại

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, chính phủ cần tập trung hơn nữa để giải quyết các vấn đề như lãng phí và tham nhũng. Ước tính khoảng 40% ngân sách đang bị lãng phí, vì vậy việc ngăn chặn tình trạng thất thoát sẽ tốt hơn bất kỳ cải cách kinh tế nào.

Nguyên nhân lãng phí được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là do nguồn tiền đổ vào các dự án bị định giá quá cao và không phải là dự án công của nhà nước. Về mặt ngân sách, một số dự án có bảng phân tích rất chi tiết, trong khi các dự án khác rất lớn nhưng báo cáo tài chính lại rất sơ sài và thiếu minh bạch.

Tranh chấp về ngân sách đã làm tăng thêm bầu không khí vốn đã gay gắt trong Quốc hội Kuwait, dẫn đến việc người đứng đầu nước này phải đóng cửa Quốc hội sau khi chính phủ trước đó từ chức vào giữa tháng Hai vừa qua.

Sau đó, khi Thủ tướng Sheikh Sabah al-Khalid Al-Sabah được tái bổ nhiệm và thành lập nội các mới, rất có thể ông sẽ nỗ lực nối lại dự luật nợ công một lần nữa.

Tuy nhiên, bất kể kết quả của các "cuộc diễn tập chính trị" này, các vấn đề cơ bản trong nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Trong thời kì khủng hoảng do Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa và chính phủ đã không đáp lại lời cầu cứu của họ. Chính phủ chưa thể đa dạng hóa nền kinh tế, phần lớn thu nhập vẫn trông đợi từ khu vực nhà nước, trong khi khu vực tư nhân vẫn còn quá yếu kém.

(theo Asian Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kuwait-khi-nha-giau-chay-tui-139910.html