Kinh tế Song hành cùng nông dân

TTH - Bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Lộc đã song hành cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, qua đó tập hợp được nhiều nông dân vào tổ chức hội.

Cơ sở của ông Trương Viết Đính, sản xuất bình quân mỗi năm 600 lít dầu tràm đạt chất lượng cao

Hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật

Tại huyện Phú Lộc, thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy nổi tiếng vừa được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các cấp Hội Nông dân huyện trong việc chủ động phối hợp với đơn vị chức năng để xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa.

Lò dầu tràm của hội viên Trương Viết Đính, ở xã Lộc Thủy, là hộ sản xuất kinh doanh có quy mô tại địa phương. Cơ sở này mỗi ngày chế biến từ 5-6 tạ nguyên liệu, với 3-5 nhân công tùy vào thời điểm. Theo ông Đính, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất bình quân 550 - 600 lít dầu tràm, mỗi lít có giá 1,8 - 2 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 350 - 400 ngàn đồng/lít.

"Nhờ các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện về chuyển giao kỹ thuật, đăng ký nhẵn hiệu cho sản phẩm, tập huấn về sản xuất, kinh doanh cho hội viên nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của bà con ngày càng cao, giá trị sản phẩm được nâng lên, thương hiệu càng được khẳng định...” - ông Đính bày tỏ.

Hiện nay, tại làng nghề Lộc Thủy có khoảng 37 hộ tham gia sản xuất với hơn 40 lò tinh luyện dầu và hơn 100 lao động thường xuyên tham gia các khâu hái, thu hoạch nguyên liệu; sản xuất, chế biến, kinh doanh dầu tràm. Cũng trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Phú Lộc đã chủ động phối hợp với đơn vị chức năng xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa như Dưa hấu Vinh Lộc cho 3 xã (Vinh Hiền, Giang Hải và Vinh Mỹ).

Theo bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch Hội Nông dân Phú Lộc, công tác hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật được các cấp hội trong huyện triển khai bằng nhiều hình thức, như tổ chức lớp tập huấn, xây dựng mô hình kinh tế, tham quan học tập… Hàng năm, các cấp hội phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động; về thành lập tổ hợp tác cho cán bộ, hội viên, nông dân. Hội cũng tổ chức nhiều đợt tham quan học tập trong và ngoài tỉnh về kinh nghiệm tổ chức các mô hình sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân

Việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) được các cấp Hội Nông dân ở Phú Lộc tích cực vận động, hội viên hưởng ứng đóng góp. Đến nay, Huyện hội quản lý nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh, trung ương và huyện là 3,17 tỷ đồng/10 dự án/81 hộ vay vốn.

Quỹ HTND đã cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hội viên, nông dân. Thông qua hoạt động của Quỹ HTND, các hội cơ sở đã xây dựng được chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác và có điều kiện để tập hợp nông dân vào tổ chức hội, nhiều hộ được vay vốn đã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được hội các cấp phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến nay, Hội Nông dân đang quản lý 114 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 4.761 hộ vay, dư nợ 130,331 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,057%. Thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân cơ sở đã thành lập 45 tổ liên kết với 462 hộ vay, dư nợ 32,3 tỷ đồng. Ủy thác vay vốn quan Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 9,7 tỷ với 25 tổ liên kết...

Theo bà Đặng Hoàng Ái Thụy, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư TW Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam”, nhiều cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp tạo điều kiên để Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/song-hanh-cung-nong-dan-a124106.html