Kinh tế Nhật Bản: Lạm phát tăng vọt, người dân siết chặt chi tiêu
Ngày 19/1, chính phủ Nhật Bản cho biết, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) năm 2023 đã tăng 3,1% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982, do chi phí thực phẩm tăng và do đồng Yen yếu hơn khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Giá tiêu dùng lõi ở Nhật Bản đã tăng 2,3% trong tháng 12/2023 so với một năm trước đó.
Chỉ số này giảm so với mức 2,5% trong tháng 11/2023, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trong tháng thứ 21 liên tiếp.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, phí khách sạn tăng 59% trong tháng 12/2023, trong khi hóa đơn tiền điện giảm 20,5%.
Số liệu lạm phát mới nhất được đưa ra khi Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương trước cuộc đàm phán mùa Xuân hàng năm giữa chủ sử dụng lao động và liên đoàn lao động.
Mức lương thực tế trung bình của đất nước - được điều chỉnh theo lạm phát - giảm so với cùng kỳ trong tháng thứ 20 liên tiếp trong tháng 11/2023, cho thấy lạm phát tiếp tục đang phủ bóng lên hiệu quả của việc tăng lương.
Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo), nhóm lớn nhất đất nước đại diện cho nhiều công đoàn ngành khác nhau, đang yêu cầu tăng lương từ 5% trở lên trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Năm 2023, trong một cuộc khảo sát của dịch vụ cho vay xã hội Lendex có trụ sở tại Tokyo, gần một nửa số người làm công ăn lương ở độ tuổi từ 20 đến 50 chia sẻ, họ chi ít hơn 500 Yen mỗi ngày cho bữa trưa. Nhiều người trong số đó cũng chia sẻ bản thân sẽ chuẩn bị sẵn cơm hộp từ nhà để tiết kiệm hơn.
Một cuộc khảo sát khác của đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán Edenred tại Nhật Bản cho thấy, khoảng 40% nam và nữ nhân viên văn phòng đã siết chặt chi phí ăn trưa, trong khi gần 70% cho biết họ đã không chọn món ăn yêu thích của mình chỉ vì tiết kiệm tiền.