Kinh tế Hà Nội tiếp tục có nhiều khởi sắc sau 5 năm

Sau 5 năm (từ 2016 – 2020), Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài); lũy kế 6.278 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD... Đó là những thông tin nổi bật được Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28/6/2016 về 'Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020' của Thành ủy Hà Nội đưa ra.

Nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước kế hoạch đề ra

Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28/6/2016 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020” (Chương trình 03) có thể coi là bộ giải pháp nhằm thay đổi về chất cho nền kinh tế Thủ đô. Dẫu biết rằng, để thay đổi về chất của nền kinh tế đòi hỏi một quá trình lâu dài. Nhưng sau 5 năm đi vào cuộc sống (2016-2020), Chương trình 03 đã cho thấy tính hiệu quả rất cao.

Trên tinh thần chủ động, sâu sát và quyết liệt, Ban Chỉ đạo Chương trình 03 đã tích cực phát huy vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố; đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tại các Hội nghị “Hà Nội – hợp tác đầu tư và phát triển” thường niên từ năm 2016. Có thể nói, việc ban hành Chương trình 03, Thành ủy đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 12 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đã hoàn thành. Qua đó, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về chất của nền kinh tế thủ đô.

Kinh tế Hà Nội tiếp tục có nhiều khởi sắc sau 5 năm

Cụ thể sau 5 năm, 12 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến kết quả thực có một chỉ tiêu chính và một chỉ tiêu thành phần đã đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 2 năm so với kế hoạch) đó là: Số lượng khách du lịch hàng năm (Kế hoạch năm 2020 đạt 18 triệu lượt, trong đó 4,1-4,7 triệu lượt khách quốc tế; năm 2018 đã đạt 26,3 triệu lượt khách, trong đó 6 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019 đạt 28,94 triệu lượt, trong đó 7,03 triệu lượt khách quốc tế) và chỉ tiêu thành phần “Xếp hạng chỉ số PCI – Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” (Kế hoạch năm 2020 đạt tốp 10/63; năm 2019 đạt 9/63).

Hai chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (Kế hoạch năm 2020 là 20%; thực hiện đạt khoảng 12,8%) và năng suất lao động xã hội tăng bình quân (Kế hoạch tăng bình quân 5,44%-5,87%/năm; thực hiện đạt 6,15%/năm). Bên cạnh đó, có 8 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong 12 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Chương trình 03, thì có một chỉ tiêu thành phần dự kiến không đạt là chỉ tiêu thành phần về "Xếp hạng chỉ số PAPI – Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh". Theo Kế hoạch đề ra, giai đoạn 2016-2020 Thủ đô sẽ phấn đấu nằm trong tốp 10/63 tỉnh, thành phố; tuy nhiên, năm 2019 Hà Nội chỉ đạt 41,53 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố.

Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện

Có thể thấy, Chương trình 03 được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thủ đô tăng trưởng nhanh, kinh tế trong nước đang phát triển lạc quan và dự báo kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục mạnh. Thực tế những năm qua, bối cảnh kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, khiến cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình gặp nhiều khó khăn mà điển hình là việc không thoàn thành chỉ tiêu “Xếp hạng chỉ số PAPI”. Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước phát triển vững chắc.

Trong đó, cải cách hành chính được xem là nhiệm vụ trọng tâm, được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện tại các cơ quan, đơn vị, tạo được chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm…phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Với việc hiện đại hóa nền hành chính, trong 5 năm qua, Hà Nội đã vươn lên xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng Công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở ban ngành, quận huyện, xã phường được kết nối mạng WAN; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 100%.

Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện

Cùng với đó, để thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Hà Nội đã thành lập được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Thường xuyên tổ chức định kỳ các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư… Nhờ đó, 5 năm qua, Hà Nội đã thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011 - 2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiệu lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét.

Với mục tiêu “đến năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”, kết quả, năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018); xếp ở vị trí 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên Chỉ số PCI của Hà Nội có tới 9/10 chỉ số thành phần tăng hạng và giữ nguyên mức xếp hạng (trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng hạng và 1 chỉ số thành phần giữ nguyên mức xếp hạng). Có 4/10 chỉ số thành phần tăng trên 10 bậc (từ 12 bậc đến 19 bậc).

Liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, liên tục trong những năm qua, Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện”… Kết quả, tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 100%; kê khai thuế điện tử 98,2%; hải quan điện tử 100%; bảo hiểm xã hội 98,3% đối với các doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 14 ngày…

Cũng trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục có sự tăng trưởng khá, qua đó đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, cách tính mới): bình quân 4 năm 2016-2019 tăng 7,36%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,93%) và cùng kỳ cả nước (6,72%); quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng; GRDP bình quân đầu người 119,65 triệu đồng, tương đương 5.160 USD. Tính chung 5 năm (2016-2020), GRDP ước tăng 7,39% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI theo quy đổi cách tính mới là 7,3-7,8%); GRDP/người đạt 127,6 triệu đồng, tương đương 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Đặc biệt, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP (từ 37,50% năm 2015 lên 39,2% năm 2019).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng khuyến khích ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ: Đã đưa vào vận hành Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội; tiếp nhận 28 hồ sơ dự án/ý tưởng, trong đó 14 dự án được tiếp nhận vào giai đoạn ươm tạo chính thức. Cùng với đó, tỷ trọng lao động trong các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng có xu hướng tiếp tục tăng, trong khi đó giảm dần trong nông nghiệp... đưa Hà Nội thực sự trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kinh-te-ha-noi-tiep-tuc-co-nhieu-khoi-sac-sau-5-nam-113983.html