Kinh phí để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đủ mua một quyển sách

Thông tin trên được đại diện các Sở tư pháp tại vùng ĐBSCL cho biết tại hội nghị tổng kết 10 năm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Phản ánh tại hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.Cần Thơ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ Phan Quỳnh Dao cho biết: TP.Cần Thơ có trên 8.000 doanh nghiệp trong đó đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên rất cần được hỗ trợ pháp lý nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, qua 10 năm (2009-2019) thực hiện Nghị định số 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, công tác này ở địa phương chưa được đẩy mạnh bởi các lý do sau: không được phân bổ kinh phí, thiếu cơ chế phối hợp và một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm xây dựng, phản biện chính sách, đây cũng là khó khăn chung của các địa phương.

Đại diện Sở Tư pháp tinh Hậu Giang kiến nghị thêm: Cụm từ ‘doanh nghiệp khởi nghiệp” mặc dù được sử dụng khá phổ biến trong xã hội nhưng chưa được giải thích, quy định, hướng dẫn trong các văn bản pháp luật hiện hành dẫn đến nhận thức về khái niệm này chưa thống nhất. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định riêng về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thu ký Hiệp hội doanh nghiệp Cần Thơ cho rằng: Trong các Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhưng phần lớn đối tượng tham gia, tham dự là các sở, ban ngành, như vậy phải chăng nội dung các chương trình này chưa thực chất nên chưa thu hút được doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị này, ông Nguyễn Thanh Tú- Vụ trưởng, Vụ pháp luật dân sự, kinh tế Bộ tư pháp thừa nhận: thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình 585) giai đoạn 2010-2014, 2015-2020 theo như kế hoạch thì tổng kinh phí do Nhà nước hỗ trợ là 190 tỷ đồng, trong đó ngân sách TW 135 tỷ đồng, ngân sách địa phương 35 tỷ đồng, đóng góp của tổ chức cá nhân 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ mới có nguồn ngân sách TW hỗ trợ 83 tỷ đồng, mà không huy động được các nguồn khác. Nên nếu tính bình quân kinh phí này bố trí hàng năm trên số lượng doanh nghiệp cần hỗ trợ thì chỉ đạt 25.000 đồng/doanh nghiệp, chưa đủ để mua một cuốn sách pháp luật. Đó là chưa kể mức chi theo Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP còn nhiều nội dung chi chưa hợp lý. Ví dụ: kinh phí viết và trình bày tham luận cho chuyên gia chỉ 500.000đồng/bài, kinh phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp chỉ 30.000 đồng/giờ…Hội nghị là dịp để đối thoại và ghi nhận những ý kiến đóng góp của địa phương để xây dựng kế hoạch hoàn thiện công tác này trong thời gian tới.

Huỳnh Khởi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/kinh-phi-de-ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-chua-du-mua-mot-quyen-sach-160772.html