Kiến trúc trăm năm đậm nét văn hóa người Hoa đất Chợ Lớn xưa

Các hội quán người Hoa là nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Chợ Lớn xưa (khu vực quận 5 của TP HCM ngày nay). Nếu ghé qua Chợ Lớn vào dịp đầu năm, du khách không nên bỏ lỡ dịp thăm viếng các hội quán ở nơi đây.

Chùa Bà Thiên Hậu (số 710 Nguyễn Trãi, Q. 5, TP HCM) còn được gọi Tuệ Thành Hội quán, là một trong những ngôi chùa cổ nhất người Hoa đã gây dựng ở Chợ Lớn xưa. Chùa được nhóm người Hoa gốc Quảng Châu di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760.

Là một điểm đến nối tiếng của Chợ Lớn, Chùa Bà Thiên Hậu hàng ngày đón tiếp rất nhiều người đến cúng lễ, nhưng đông hơn là vào các ngày mùng Một và Rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết truyền thống trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ...

Tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM, hội quán Nghĩa An có kiến trúc rất hoa mỹ với lịch sử hình thành từ trước thế kỷ 19. Do vị thần được thờ chính trong hội quán là Quan Công, nên hội quán người Hoa này còn có tên miếu Quan Đế hay chùa Ông.

Ngày lễ chính của hội quán Nghĩa An là lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24/6 (Âm lịch) và rằm tháng Giêng (lớn nhất). Các ngày Mùng một, Rằm và đầu năm mới hội quán cũng thu hút rất đông du khách thập phương.

Hội quán Hà Chương (số 802 Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM) còn có tên là Hội quán Chương Châu, chùa Ông Hược hoặc chùa Bà Hà Chương. Hội quán do những người Hoa gốc phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến xây dựng làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng.

Hàng năm ở hội quán Hà Chương có hai lễ lớn là lễ Vía Bà Thiên Hậu ngày 23/3 Âm lịch và cúng cô hồn ngày 9/7 Âm lịch. Vào các ngày Rằm, Mùng 1 và ngày Tết, hội quán cùng thu hút rất nhiều khách thập phương đến hành lễ.

Hội quán Ôn Lăng (số 12 đường Lão Tử, quận 5, TP HCM) được cộng đồng người Hoa nguyên quán ở phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến xây dựng vào năm 1740 để thờ các vị thần Trung Hoa. Sau này, hội quán thờ thêm Quan Âm bồ tát nên còn được gọi là chùa Quan Âm.

Các lễ hội chính của hội quán Ôn Lăng là các lễ vía Quan Âm trong năm: 19/6 Âm lịch là lễ Vía chính, còn 19/2 Âm lịch và 19/11 Âm lịch là hai lễ Vía phụ. Hội quán này còn là nơi tham quan thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.

Nằm tại số 264 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP HCM, hội quán Nhị Phủ (còn gọi là chùa Ông Bổn) được những người gốc ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu (Nhị phủ), tỉnh Phúc Kiến lập vào khoảng năm 1730. Đây cũng là một hội quán du khách nên ghé thăm vào dịp Tết.

Hội quán Quỳnh Phủ hay chùa Bà Hải Nam tọa lạc số 276 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, TP HCM, là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa của người Hoa gốc Hải Nam. Hội quán được xây vào khoảng năm 1824.

Hội quán Tam Sơn (118 Triệu Quang Phục, quận 5, TP HCM) được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa kiều gốc Phúc Kiến vào năm 1839. Không chỉ là điểm sinh hoạt tâm linh, đây là một nơi cầu tự được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến ở khu vực Chợ Lớn.

Hội quán Nghĩa Nhuận (số 27 Phan Văn Khỏe, quận 5, TP HCM) được lập năm 1872, nguyên là đình thôn Tân Nhuận, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình. Sau khi chuyển đổi thành hội quán của Hội Nghĩa Nhuận, nơi đây thờ Quan Công nên còn có tên là miếu Quan Đế.

Hội quán Phước An (184 Hồng Bàng, quận 5, TP HCM) được xây dựng trên cơ sở vật chất của nguyên Hội quán An Hòa từ năm 1902. Là nơi hội tụ của người Minh Hương có nguồn gốc ba tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến, Triết Giang nên hội quán còn được gọi là Chùa Minh Hương.

Xem clip: Phong tục đón xuân vui Tết ở Việt Nam.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kien-truc-tram-nam-dam-net-van-hoa-nguoi-hoa-dat-cho-lon-xua-1004932.html