Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư 'nhờn luật'

Các vụ cháy, nổ khi xảy ra tại chung cư cao tầng không những gây thiệt hại lớn về người và tài sản, mà còn tạo tâm lý bất an cho các cư dân. Vì thế, việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rất cần được thực hiện nghiêm túc.

Tại Hội nghị tập huấn “Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế - dự toán xây dựng công trình” diễn ra ngày 12-10 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An cho biết, số vụ cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 đến nay tuy có giảm, nhưng diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.

Theo thống kê, năm 2017, tại Hà Nội xảy ra 820 vụ cháy, trong đó cháy lớn năm vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 13 vụ, cháy trung bình 158 vụ, cháy nhỏ 619 vụ, cháy rừng 22 vụ. So với năm 2016, số người chết trong các vụ cháy năm 2017 tăng lên một người, thiệt hại về tài sản tăng hơn 100 tỷ đồng. Hầu hết các dự án chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội khi thiết kế đều tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn và đã tính trước mọi khả năng PCCC trong nhiều tình huống, bởi nếu các công trình không bảo đảm yêu cầu PCCC, dự án không được duyệt. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư, nhà thầu thi công chủ quan hoặc vì lợi ích trước mắt đã không thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC trong quá trình xây dựng; không thực hiện thẩm duyệt hoặc có thẩm duyệt PCCC, nhưng khi thi công lại không tuân thủ theo thiết kế đã được duyệt, dẫn đến công trình gặp nhiều sai sót về PCCC. Vì thế, công tác thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu công trình bảo đảm an toàn PCCC được coi là biện pháp phòng ngừa quan trọng trong việc bảo đảm an toàn PCCC cho các dự án, công trình.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An khẳng định, thời gian tới, Sở tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng, nhưng vẫn giữ các quy định liên quan đến bảo đảm PCCC. Trong đầu tư xây dựng công trình mới, việc thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu phải thực hiện theo quy chế. Các cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ đầu tư phải tuyệt đối bảo đảm PCCC khi thẩm định các dự án công trình, không "linh động" bất cứ trường hợp nào.

Trước thực trạng công tác PCCC tại nhà cao tầng gây bức xúc dư luận, tháng 6-2018, Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố đợt hai gồm 108 cơ sở, công trình nhà cao tầng tồn tại vi phạm về PCCC, trong đó có 49 chung cư cao tầng của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Cảnh sát PCCC khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không vào sinh sống, kinh doanh, làm việc tại các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Việc làm kiên quyết này đã khiến không ít chủ đầu tư lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để khắc phục những vấn đề tồn tại về PCCC và được cơ quan chức năng nghiệm thu PCCC, đưa tòa nhà vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, đại diện Cảnh sát PCCC chia sẻ, trong quá trình kiểm tra, xử lý, các chủ đầu tư có sai phạm về PCCC, có một số chủ đầu tư “nhờn luật”, họ sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để tồn tại. Đây là điều không thể chấp nhận khi chủ đầu tư sẵn sàng dùng tiền nộp phạt, coi nhẹ tính mạng, tài sản của người dân.

Để ngăn chặn tình trạng chủ đầu tư vi phạm các quy định PCCC, nhất là đưa người dân vào sinh sống khi công trình chưa đủ điều kiện PCCC, UBND thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát công tác PCCC, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm. Kiên quyết không xem xét, bố trí các chủ đầu tư có nhiều vi phạm PCCC tiếp tục đầu tư dự án trên địa bàn thành phố. Những đơn vị cố tình không khắc phục vi phạm PCCC có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

NGUYÊN ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37931202-kien-quyet-xu-ly-cac-chu-dau-tu-nhon-luat.html