Kiên Giang: Phạt một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm
Tháng 2-2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Kiên Giang đã tổ chức kiểm tra 71 vụ, qua đó, phát hiện, xử lý 43 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 1,28 tỉ đồng.
Ngày 27-2, tin từ Tổng cục QLTT cho hay trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Cục QLTT Kiên Giang đã xử lý 43 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 1,28 tỉ đồng.
Cụ thể, trong tháng 2-2024, Cục QLTT Kiên Giang đã tổ chức kiểm tra 71 vụ, qua đó, phát hiện, xử lý 43 vụ vi phạm hành chính, từ đó, thu nộp ngân sách 1,28 tỉ đồng. Cạnh đó, đơn vị còn tiến hành thống kê 214 cơ sở, cho ký cam kết 281 bản, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh trên địa bàn tỉnh.
Một số vụ việc vi phạm hành chính Cục QLTT Kiên Giang phát hiện xử lý, như: Đội QLTT số 1 phối hợp cùng Công an Kiên Giang kiểm tra đột xuất bảy doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện cả bảy doanh nghiệp này đang kinh doanh các sản phẩm trang sức có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp.
Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Cục QLTT Kiên Giang trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt các doanh nghiệp này, tổng số tiền 870 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 62 sản phẩm vi phạm, tổng trị giá hơn 500 triệu đồng.
Một vụ việc khác, qua kiểm tra hai hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Hòn Đất, Đội QLTT số 2 đã lấy hai mẫu phân bón có dấu hiệu vi phạm về chất lượng để thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm xác định có một mẫu phân bón giả và một mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đối với hộ kinh doanh có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 2 đã chuyển hồ sơ về Cục trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý. Riêng đối với hộ kinh doanh có mẫu phân bón không đạt chất lượng, Đội cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Cục trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt.
Trong tháng 3-2024, Cục QLTT Kiên Giang cho biết ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Cục đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề xăng dầu. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cạnh đó, chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong thời điểm hiện nay.