Kiểm soát nguồn gốc nông sản bằng mã QR

Hà Nội đang đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản bằng mã QR. Việc này không chỉ giúp kết nối cung cầu, giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, mà còn kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường.

Thu hoạch rau tại Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng). Ảnh: Đỗ Tâm

Minh bạch thông tin sản phẩm

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối thông tin, hiện 100% sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã sau khi được thu hoạch và sơ chế, đóng gói đều được dán tem mã QR, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Việc này giúp hợp tác xã minh bạch thông tin tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng. Hiện nay, các sản phẩm của hợp tác xã đang cung cấp cho các trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm...

Còn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) chia sẻ, được thành lập năm 2016, hợp tác xã có 10 hộ tham gia sản xuất theo chuỗi, từ khâu chăn nuôi lợn an toàn sinh học đến khâu chế biến, giết mổ, đóng gói, chế biến giò, chả, xúc xích… Để minh bạch thông tin sản phẩm thịt lợn an toàn sinh học tới tay người tiêu dùng, hợp tác xã đã đăng ký thương hiệu, mã QR. Mỗi tháng, tùy từng thời điểm, hợp tác xã cung cấp khoảng 30 tấn sản phẩm thịt lợn và từ 4 đến 7 tấn sản phẩm giò, chả, xúc xích cho chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, hệ thống siêu thị trong địa bàn Hà Nội.

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền: www://check.hanoi.gov.vn. Đến nay, Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được với giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống từ 10% đến 30%.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng duy trì, phát triển tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS, ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; duy trì và mở rộng hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tiếp tục hỗ trợ để triển khai rộng rãi

Hiện tại, việc triển khai mã QR không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin minh bạch, mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng quản lý an toàn thực phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc thực sự đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ số liên thông trên toàn chuỗi sản xuất của sản phẩm. Thế nhưng, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vẫn chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...

Để hỗ trợ các hợp tác xã trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng truy xuất nguồn gốc theo mã QR; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, như: Hỗ trợ gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm an toàn, hỗ trợ tham gia các hội chợ trưng bày, kết nối sản phẩm trong và ngoài huyện. Cùng với đó, huyện phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện để các chủ thể tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn có mã QR đến tay người tiêu dùng.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các địa phương và tích hợp lên hệ thống truy xuất hàng hóa quốc gia.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn Hà Nội phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho thành phố” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Đến năm 2025, phấn đấu 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn được ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Không chỉ quan tâm đến việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc trực tuyến, Hà Nội còn đẩy mạnh khuyến khích thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử… và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc là việc làm thiết yếu mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cần phải sớm thực hiện để bảo vệ thương hiệu cho mình và quyền lợi người tiêu dùng. Để hướng tới việc ngăn chặn các hành vi làm hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng phải khắt khe hơn trong việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-nguon-goc-nong-san-bang-ma-qr-637101.html