Kiểm soát chặt thiết bị bay không người lái

Trong 10 năm trở lại đây, ngày càng có khá nhiều người điều khiển thiết bị bay không người lái kết hợp chụp hình và quay phim từ trên không (flycam hoặc drone). Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị bay tự do, không được kiểm soát dễ gây nguy hiểm đến hoạt động bay tại khu vực sân bay và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

Một người chơi flycam tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đăng Tùng

Một số người thường sử dụng thiết bị bay không người lái ở TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay giá của một flycam từ 5-20 triệu đồng/chiếc. Mức giá này không quá đắt mà hình ảnh mang lại rất đẹp, độc đáo, do đó flycam được nhiều người mua, sử dụng.

* “Đánh liều” bay khi chưa có phép

Anh P.H. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) - có 6 năm chơi flycam, cho biết, trước đây để chụp những bức ảnh trên cao, người chụp phải đi bằng trực thăng nên không phải ai cũng có điều kiện đi được. Từ khi có flycam, việc chụp ảnh, quay phim trên cao đã dễ dàng hơn trước và càng dễ hơn khi công nghệ phát triển, có những flycam có thể điều khiển bay xa, ghi hình với khoảng cách vài cây số.

Theo Điều 8, Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng được cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.

“Hiện nay, có nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng flycam để chụp những bức ảnh có góc rộng, nhìn lạ mắt. Ngoài ra cũng có rất nhiều dịch vụ chụp hình cưới dùng flycam để chụp được những tấm ảnh độc, lạ và ấn tượng” - anh P.H. nói.

Tuy nhiên, theo một số người chơi flycam ở TP.Biên Hòa, để làm thủ tục đề nghị cấp phép bay theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 36) ngày 28-3-2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ rất khó nên phần lớn những người chơi flycam “đánh liều” cho bay ở khu vực dân cư và tắt hệ thống định vị GPS để dễ dàng chụp ảnh ở nơi cấm bay.

Tại Điều 14, Nghị định 36 quy định, một số hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng các thiết bị bay không người lái như: tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép, tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên máy bay hoặc phương tiện bay. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

* Mạnh tay xử lý

Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, việc người điều khiển thiết bị bay không người lái khi chưa được cấp phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trên không và mặt đất, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Ngoài ra, các đối tượng xấu có thể sử dụng thiết bị này để xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng.

Trước những nguy hiểm tiềm ẩn do thiết bị bay không người lái, nhiều địa phương đã có các biện pháp xử lý mạnh tay. Cụ thể như tại TP.HCM, rạng sáng 25-1 (nhằm ngày mùng 1 Tết Nguyên đán 2020), hàng chục flycam trong quá trình điều khiển để ghi hình tại khu vực Q.2 và Q.Bình Thạnh đều bị mất sóng, vô hiệu hóa. Nguyên nhân do Bộ Tư lệnh TP.HCM đã bố trí tổ công tác sử dụng thiết bị áp chế máy bay không người lái để ngăn chặn các hoạt động của flycam nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động bắn pháo hoa chào năm mới và bảo vệ an toàn cho người dân.

Tại Đồng Nai, trong thời gian tổ chức các sự kiện, lễ hội quan trọng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị triển khai phương án quan sát, theo dõi các thiết bị bay hoạt động trái phép trong các khu vực cấm.

Thượng tá Nguyễn Tấn Linh, Phó chỉ huy trưởng - tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh đề án mua sắm trang thiết bị để khống chế hoạt động các thiết bị bay không người lái nói trên khi bay vào vùng cấm.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh khuyến cáo, người sử dụng các thiết bị bay không người lái cần chấp hành các quy định cấp phép bay theo quy định. Đồng thời, để có thể sử dụng thiết bị bay không người lái một cách an toàn, hợp pháp, người chơi có thể tập hợp, sinh hoạt theo hình thức CLB, có quy chế quản lý, xin phép bay để đảm bảo hoạt động bay an toàn, không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an ninh quốc phòng.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202003/kiem-soat-chat-thiet-bi-bay-khong-nguoi-lai-2991786/