Kiểm soát chặt, điều tiết hiệu quả

Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

(HNM) - Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Dương lịch và hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đây là thời điểm thị trường bước vào cao điểm kinh doanh, mua sắm hàng hóa, chuẩn bị đón Tết. Vấn đề đặt ra cho thời gian này là phải chủ động kiểm soát tốt thị trường và điều tiết giá các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm, bảo đảm nguồn hàng hóa được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra mất cân đối cung - cầu.

Thị trường Hà Nội có số dân đông nên nhu cầu về thực phẩm rất lớn. Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Thủ đô, đến nay, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá cả thị trường. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2020 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Thực tế, cứ đến dịp Tết thì nhu cầu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại tăng mạnh như gạo, các loại thịt, rau, củ, bánh mứt kẹo, bia, nước giải khát… Do đó, việc giá cả các mặt hàng trong dịp Tết, đặc biệt là thực phẩm thường có xu hướng tăng luôn là nỗi lo thường trực của nhiều người dân. Do đó, dù đã chủ động mọi phương án, nhưng yêu cầu đặt ra với các cấp, ngành chức năng vẫn là tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Trước hết, các sở, ngành, địa phương cần theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn trong thời gian qua để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Từ đó chủ động và kịp thời tham mưu cho thành phố có biện pháp cụ thể, bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến.

Khác với những năm trước, năm nay do ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm mạnh nên dự báo giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt lợn (giò, chả…) sẽ tăng mạnh. Do vậy, ngành chức năng cần theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, để nắm bắt nguồn cung ứng mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác, qua đó chủ động có phương án bảo đảm ổn định thị trường phục vụ Tết.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương cũng cần triển khai các chương trình bình ổn giá phù hợp, hiệu quả; trong đó quan tâm tới những khu vực nông thôn, khu vực có đông công nhân, người lao động... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, trục lợi.

Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc chuẩn bị kho bãi, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường, cần xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn; bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng rất cần các siêu thị có chương trình “khóa giá”, cam kết không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán để tránh tình trạng tăng giá khi khan hàng.

Về phía người tiêu dùng, việc mua sắm Tết sớm và chia thành nhiều đợt thay vì "nước đến chân mới nhảy" sẽ tránh được tình trạng bị "ép giá" đồng thời không rơi vào tình trạng tích trữ quá nhiều thực phẩm những ngày Tết theo tâm lý, thói quen, tập quán tiêu dùng cũ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Sự chuẩn bị chu đáo với nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố bảo đảm dồi dào, phong phú và được kiểm soát chặt chẽ, điều tiết giá cả hiệu quả sẽ giúp người dân Thủ đô có thể yên tâm đón Tết Canh Tý 2020 một cách vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/953099/kiem-soat-chat-dieu-tiet-hieu-qua