Kiểm dịch viên 27 tuổi và 365 ngày 'săn Covid-19' ở Tân Sơn Nhất

Vừa nhận công tác tại thành phố mới, lần đầu tiên Biển thấu hiểu được sự khắc nghiệt của nghề kiểm dịch y tế giữa guồng quay đại dịch.

Kết thúc ca trực tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phạm Biển vội vã thay trang phục bảo hộ. Do lệnh giãn cách, phòng gym tạm thời đóng cửa, anh dạo quanh công viên, ăn nhẹ rồi trở về căn nhà thuê tại quận Tân Bình. Anh Biển là cán bộ khoa Kiểm dịch y tế Quốc tế, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Dù không mặc “Blouse trắng” như bao đồng nghiệp, suốt một năm qua, Biển cùng đồng nghiệp làm công tác kiểm dịch y tế chính là một phần trong hàng rào chắn vững chãi tại tuyến đầu chống dịch Covid-19.

“Ngày làm việc 16 giờ là chuyện bình thường”

Đầu tháng 4/2020, Phạm Biển (quê Hà Tĩnh) đáp chuyến bay đến TP.HCM để bắt đầu công việc mới. Anh được phân nhiệm vụ kiểm dịch y tế tại khu nhập cảnh đúng thời điểm dịch bùng phát trong cộng đồng tại Việt Nam.

Ở tuổi 26, nam bác sĩ y tế dự phòng vừa tốt nghiệp đại học biết rằng bản thân đang đứng vào hàng ngũ nhân viên y tế tuyến đầu ngăn chặn đại dịch xâm nhập.

Phạm Biển và nhiều nhân viên khoa Kiểm dịch y tế quốc tế là một phần trong hàng rào chắn vững chãi tại tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Tân Sơn Nhất. Ảnh: NVCC.

Ngày làm việc ròng rã trong đồ bảo hộ kín bưng, mồ hôi nhễ nhại, "chạy đông chạy tây" lo các khâu từ quản lý khai báo y tế, sàng lọc cách ly đến hậu cần…, trở thành những hình ảnh quen thuộc của kiểm dịch viên y tế ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Kíp trực của đội phản ứng nhanh khoa Kiểm dịch y tế quốc tế tại ga quốc tế thường có 2 người. Công việc chủ yếu là hỗ trợ hành khách khai báo y tế và sàng lọc người cần cách ly.

Trong các chuyến bay có hành khách đến từ hoặc đi qua khu vực có dịch thuộc diện phải cách ly, hành khách sẽ sẽ được đóng dấu xác nhận của Kiểm dịch viên y tế trước khi nhập cảnh.

Mỗi ca trực của anh Biển thường kéo dài 8 giờ hoặc ở lại thêm 2-3 giờ để hỗ trợ cho ca trước hoặc ca sau. Hiện tại, số chuyến bay quốc tế không nhiều, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế chạy qua lại giữa ga quốc nội nếu có hành khách sốt cần khám sàng lọc.

Vào đợt dịch tháng 3, tháng 4/2020, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế chịu áp lực lớn trong việc giám sát và cách ly y tế với khách nhập cảnh và tổ bay quốc tế. Đây cũng là thời điểm Việt Nam có đợt bùng phát dịch lớn từ người nhập cảnh.

“Đó là những ngày ăn ngủ khẩn trương, làm việc không mệt mỏi. Thậm chí, những ngày đầu tôi sốc rất nhiều vì dịch căng thẳng. Từ việc tiếp đón hành khách làm tờ khai y tế, lấy mẫu xét nghiệm, bố trí khám sàng lọc… Có ngày, ca trực của chúng tôi kéo dài 14-16 giờ. Sau khi nghỉ một ngày, guồng quay công việc tiếp diễn, ngày trực 16 giờ là chuyện bình thường”, anh Biển chia sẻ.

Hiện tại, với số lượng chuyến bay quốc tế giảm dần, anh Biển cùng đồng nghiệp tại ga quốc tế “chi viện” cho các bộ phận khác.

Nhớ nhà

Thời điểm trong nước không có dịch bệnh, nhiệm vụ của cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế là theo dõi tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Nếu có chuyến bay từ quốc gia dịch bệnh đang lưu hành như Ebola, sốt vàng, H1N1…, đến TP.HCM, hành khách sẽ được giám sát y tế kỹ. Nếu phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ hoặc sốt, cán bộ kiểm dịch sẽ lập tức điều tra dịch tễ.

Phạm Biển nhận công tác tại khoa Kiểm dịch y tế quốc tế gần tròn một năm và chưa về nhà từ khi dịch bùng phát đến nay. Ảnh: NVCC.

Hiện cán bộ tại khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tại sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là giám sát virus SARS-CoV-2. Hành khách nhập cảnh đều được cách ly toàn bộ. Thông tin y tế được bàn giao cho cơ quan khác để phụ trách cách ly.

“Công việc bớt vất vả hơn nhưng dịch bệnh vẫn còn đó, chúng tôi cũng chưa thể yên tâm. Chúng tôi cũng có những kỷ niệm vui, có cơ hội làm quen thêm những người bạn mới”, anh Biển vui vẻ nói.

Cách đây không lâu, một chuyên gia người Đức sang Việt Nam làm việc nhưng khách sạn không nhận được thông tin đặt phòng cách ly. Vị khách không có nơi cách ly, cán bộ kiểm dịch buộc giữ ông ở lại để tìm địa điểm phù hợp. Nam chuyên gia không biết chuyện này nên bắt đầu cáu gắt với kíp trực.

Hết ca trực, Biển nán lại để tìm hiểu tình huống khó xử của vị chuyên gia và trấn an người này giúp đồng nghiệp.

“Nam chuyên gia này chờ ở sân bay hơn 6 giờ. Trong đêm, tôi cố gắng liên lạc với các khách sạn còn dư phòng cách ly và đi mua thức ăn, nước uống cho ông ấy. Sau thời gian cách ly, chúng tôi trở thành bạn bè của nhau. Tôi một mình tại thành phố mới và hạnh phúc vì được làm công việc yêu thích, có thêm những người bạn mới”, anh Biển kể.

Dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, TP.HCM vừa kiểm soát và cắt được chuỗi lây nhiễm phức tạp ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Phạm Biển cũng như hàng nghìn nhân viên y tế trên mặt trận chống dịch đều xác định lấy hiệu quả công việc, ngăn chặn dịch bệnh làm niềm vui.

“Thỉnh thoảng, tôi nhớ nhà không chịu được và có xin phép anh quản lý để về nhà. Tôi nghĩ ai cũng mong được sum họp gia đình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lại xuất hiện, lệnh tổng động viên từ HCDC là không ăn Tết khi chưa thắng dịch, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình để mang lại sự bình yên cho cộng đồng”, nam kiểm dịch viên chia sẻ.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kiem-dich-vien-27-tuoi-va-365-ngay-san-covid-19-o-tan-son-nhat-post1187084.html