Kịch bản bất ngờ khiến Ukraine 'quật ngã' Nga ngay trên 'sân nhà'
Căng thẳng Nga-Ukraine có thể được ví von như trận chiến giữa 'David và Goliath'. Ukraine 'nhỏ bé' vẫn có cơ hội chiến thắng và Nga 'khổng lồ' sẽ có nguy cơ sa lầy.
Mặc dù giới quan sát đều đồng tình rằng, khả năng nổ ra một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine là khó trở thành hiện thực, tuy nhiên tờ Kyiv Post đã đưa ra một kịch bản giả định để tìm hiểu xem trong viễn cảnh tồi tệ nhất, năng lực quân sự của bên nào sẽ tỏ ra vượt trội.
Cuộc chiến với “người khổng lồ”
Liệu lực lượng vũ trang 250.000 người của Ukraine có cơ hội nào trước một cuộc tấn công lớn? Nhiều chuyên gia cho rằng bất chấp tất cả những vấn đề tồi tệ đang ám ảnh quân đội Ukraine trong nhiều năm, câu trả lời vẫn là có.
Nhưng đây sẽ là một trận chiến giữa David và Goliath, trong đó quân đội Ukraine chỉ có thể thành công nếu họ loại bỏ các học thuyết quân sự cũ của Liên Xô và hoạt động như một lực lượng cơ động và linh hoạt, tận dụng địa hình và đảm bảo sự phối hợp nhanh giữa các yếu tố. Nếu không, hệ thống phòng thủ của Ukraine có thể bị phá hủy trong vòng vài ngày.
Trong trường hợp có mọi yếu tố vận hành hoàn hảo, quân đội Ukraine có thể phá tan hy vọng của Nga về một cuộc chớp nhoáng, khiến Nga sa lầy vào một cuộc cuộc chiến không thể thắng, đồng thời khiến Điện Kremlin phải hứng chịu các lệnh trừng phạt toàn cầu, tờ Kyiv Post nhận định.
Kế hoạch của Nga
Theo số liệu mới nhất từ Cục tình báo quân sự Ukraine, Nga đã triển khai 89.000 binh sĩ tại các khu vực giáp biên giới với miền Đông Ukraine và ở Crimea. Đây là đợt tập trung sức mạnh quân sự lớn nhất của Nga trong khu vực kể từ tháng 7/2014.
Tình báo Ukraine dự kiến quá trình tích tụ quân sự sẽ lên tới khoảng 110.000 quân trước ngày 20/4. Phía Nga hiện vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về thông tin này.
Tờ Kyiv Post nhận định, điều này cho thấy trong trường hợp tấn công, Nga có thể trấn áp khu vực phía Nam của Ukraine, thông qua nhiều hướng.
Đầu tiên là lao qua Kharkiv Oblast, phong tỏa thành phố Kharkiv và tiếp tục tiến đến Dnipro. Đồng thời, Nga có thể tấn công vào Donbass, tiến về phía Mariupol và tới Zaporizhia.
Nếu thành công, hai đợt tiến công này có thể cắt đứt nguồn cung cấp cho 40.000 quân Ukraine đang bảo vệ Donbas cũng như các cứ điểm khác của Ukraine, khiến lực lượng nước này bị chia cắt và bị bao vây.
Bên cạnh đó, cũng có khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Crimea về phía Kherson, Mykolaiv và Odesa, nhằm chiếm lấy cơ sở hạ tầng ven biển quan trọng và cắt đường tiếp tuyến của Ukraine từ biển.
Chiến dịch như vậy có thể thành công trong vòng chưa đầy một tuần. Và nếu hoạt động trơn tru, đòn đánh sẽ khiến Ukraine phải khuất phục.
Cơ hội nào cho Ukraine?
Cơ hội của Ukraine có vẻ không lớn. Theo cơ sở dữ liệu của Military Balance 2020, Ukraine dựa vào gần 145.000 quân lục quân, 8.000 lính dù, 2.000 lính thủy đánh bộ và 102.000 nhân viên bán quân sự.
Theo các nhà chức trách Ukraine, nước này có tới 200.000 cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm tham gia lực lượng dự bị phản ứng nhanh.
Ngoài ra, Ukraine đang trông chờ vào 800 xe tăng chiến đấu chủ lực, hơn 1.100 xe chiến đấu bộ binh và gần 1.800 khẩu pháo.
Trong khi không có lợi thế về nhân lực, Nga lại có ưu thế trên không và trên biển. Lực lượng không quân của Ukraine với gần 125 máy bay chiến đấu (bao gồm cả máy bay chiến đấu Mikoyan MiG ‑ 29 và Sukhoi Su ‑ 27 ít nhất 30 năm tuổi) không thể sánh được với sức mạnh không quân của các Quân khu phía Tây và phía Nam của Nga.
Hải quân Ukraine với một số tàu chiến và tàu tuần tra cũ kỹ không được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều khác biệt. Phòng thủ bờ biển phụ thuộc vào một số lựu pháo D‑20 152 mm và tên lửa Uragan hạng nặng 220 mm. Trong khi đó, chương trình triển khai tên lửa hành trình Neptune phòng thủ bờ biển mới của Ukraine vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu.
Bầu trời Ukraine cũng được bảo vệ bởi hơn 300 hệ thống tên lửa đất đối không, trong đó có 250 hệ thống S ‑ 300P/PS/PT đã cũ kỹ.
Trong trường hợp xấu nhất, quân đội thường trực sẽ cần sự hỗ trợ của lực lượng dân quân ở hậu phương. Hiện tại, Ukraine chính thức triển khai 25 lữ đoàn chiến binh hậu phương trên khắp đất nước. Nhưng mạng lưới phòng thủ lãnh thổ vẫn còn sơ khai và thường bị chỉ trích là chỉ mang tính hình thức.
Để so sánh, 89.000 quân Nga gần miền Đông Ukraine và ở Crimea bao gồm hai sư đoàn bộ binh cơ giới, hai lữ đoàn súng trường, một lữ đoàn thủy quân lục chiến và một lữ đoàn trên không.
Mặc dù đây là một lực lượng đáng gờm, một số chuyên gia tin rằng Nga không có đủ lực lượng dự bị cho một cuộc tấn công lớn vào đất liền của Ukraine. Chính vì điều này, nhà báo Yuriy Butusov nhận định với Kyiv Post rằng, đây là một sự phô trương sức mạnh chứ không phải là một sự chuẩn bị thực sự cho chiến tranh.
Chiến tranh cơ động
Xét về khía cạnh tích cực, người Ukraine sẽ có lợi thế sân nhà. Chìa khóa chiến thắng sẽ phụ thuộc vào khả năng di chuyển và phản ứng nhanh của lực lượng Ukraine.
Các lực lượng Ukraine có thể áp dụng phương pháp phòng thủ cơ động, tận dụng địa hình, liên tục quấy rối quân Nga, phối hợp hành động với phòng không, pháo binh và dân quân, đồng thời liên tục cố gắng dụ đối phương vào các khu vực tiêu diệt.
Glen Grant, một đại tá quân đội Anh đã nghỉ hưu và là cựu cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine, cũng đề nghị chú trọng đến tính cơ động, tự do hành động của các đơn vị chiến đấu thay vì chỉ huy tập trung cao độ kiểu Liên Xô kém hiệu quả và chậm chạp.
“Cuộc chiến này, nếu xảy ra, sẽ thắng lợi nhờ cơ động, phòng ngự nhanh, tư duy linh hoạt của người chỉ huy và sự chống trả ngoan cường của binh lính các cấp”, vị sĩ quan nghỉ hưu này nêu quan điểm.
Bất chấp nhiều năm cải cách theo kiểu NATO và ngân sách cao kỷ lục, các lực lượng vũ trang của Ukraine vẫn đang vận hành bộ máy quân sự theo kiểu Liên Xô.
Nhưng nếu mọi thứ được vận hành trơn tru, vẫn có hy vọng đánh bại được Nga.
“Các lực lượng vũ trang của Ukraine ngày nay được chuẩn bị tốt hơn nhiều và có kinh nghiệm hơn ở hầu hết các cấp”, Trung tướng Ben Hodges, cựu sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ cho biết.
“Nếu các lực lượng Nga tiến sâu vào cuộc chiến, điều đó sẽ cực kỳ tốn kém đối với họ. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết với Ukraine, bao gồm khả năng phòng không và tên lửa, khả năng tác chiến điện tử và thông tin liên lạc”.