Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An: Nhận diện định hướng thu hút đầu tư
Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp hiện có, hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch kết hợp đô thị ven biển và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cảng biển là những ưu tiên của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An trong thời gian tới.
Xác định ưu tiên đầu tư
Để triển khai thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế theo đúng định hướng, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quy định quản lý theo đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An xác định rõ các chương trình, các dự án ưu tiên đầu tư tại Khu kinh tế trong giai đoạn này.
Trước đó, ngày 15/2/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040. Theo Quyết định, Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực, với tổng diện tích 20.776,47 ha.
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, trong giai đoạn đến năm 2040, UBND tỉnh Nghệ An xác định ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp VSIP, Nam Cấm, Thọ Lộc, Đông Hồi, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, nhằm đáp ứng nhu cầu đất công nghiệp giai đoạn trước mắt; thu hút đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ phát triển cảng biển kết hợp dịch vụ logistics, hậu cần cảng…
Bên cạnh đó, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An sẽ được xây dựng, hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch kết hợp đô thị ven biển khu vực từ Bãi Tiền Phong, Bãi Lữ, Cửa Hiền…; đầu tư xây dựng các công trình có tính chất tạo động lực, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của đô thị số 3 tại xã Nghi Yên kết hợp trung tâm đào tạo nhân lực cho khu kinh tế; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch, sân gofl tại khu vực hồ Xuân Dương, xã Diễn Trung, xã Nghi Tiến…
Đồng thời, Khu kinh tế sẽ ưu tiên thực hiện các dự án phát triển nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật cho từng khu đô thị, đáp ứng việc cải tạo, sắp xếp tái định cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, công nhân, người lao động và hình thành đô thị; xây dựng, cải tạo và bổ sung các trung tâm chuyên ngành như trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, trung tâm văn hóa, công viên vui chơi giải trí và thể dục thể thao…
Theo ông Nguyễn Tiến Trị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Nghệ An sẽ thúc đẩy xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng biển, trong đó tập trung hoàn chỉnh đầu tư xây dựng cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi; xây dựng mới ga trung chuyển kết hợp cảng cạn Depot - ICD và trung tâm logistics…
Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam sẽ tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển chạy qua Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; xây dựng mới tuyến đường nối đường Quốc lộ 7C-N5 với cảng biển Bắc Cửa Lò; xây dựng mới tuyến đường kết nối Quốc lộ 7A-Khu B Khu công nghiệp Thọ Lộc với Quốc lộ 1A; xây dựng mới tuyến N1, tuyến N2 đoạn nối Quốc lộ 1A và khu đô thị số 4; xây dựng mới tuyến đường kết nối du lịch Hồ Xuân Dương - Đền Cuông - Cửa Hiền; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung…
Điểm sáng thu hút đầu tư
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Singapore, UBND tỉnh Nghệ An vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Soilbuild Group Holdings Pte, chủ đầu tư Dự án phát triển hệ thống nhà xưởng, văn phòng xây sẵn đặt tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An.
Dự án nhằm phát triển hệ thống nhà xưởng, văn phòng xây sẵn cho thuê theo tiêu chuẩn xanh tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An, tổng mức đầu tư là 45 triệu USD. Với dự án này, Nghệ An đã có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ Singapore với tổng vốn cam kết 486,41 triệu USD.
Từ năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 Dự án đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Những nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA… cũng đầu tư các Dự án lớn tại địa phương.
Nhìn nhận về tình hình thu hút đầu tư vào Nghệ An nói chung và khu kinh tế nói riêng, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay, bằng những giải pháp thiết thực, Nghệ An đã thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Tỉnh đặc biệt chú trọng cải cách hành chính theo hướng nhanh, gọn, hiện đại, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo báo cáo, Nghệ An sắp vượt mốc 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023. Tính riêng trong tháng 8, Nghệ An đã cấp giấy phép mới cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 4.263,7 tỷ đồng; điều chỉnh 15 lượt dự án, trong đó 2 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 18,9 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng, Nghệ An đã cấp mới 79 dự án; điều chỉnh 112 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 29 lượt dự án (tăng 2.731,3 tỷ đồng), với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 28.834,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới tăng 2,6%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,4 lần.
Trong 4 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư nước ngoài, Nghệ An đã có hàng loạt đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án đầu tư nước ngoài.
UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành Công văn số 6486/UBND-KSTT về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn 20% so với quy định với những hồ sơ nộp trực tuyến và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, mới đây, nhà đầu tư Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD (Tập đoàn Foxconn) đã triển khai dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology tại Khu công nghiệp WHA trên địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, với tổng diện tích khoảng 48 ha, tổng mức đầu tư 100 triệu USD.
Ngoài ra, Foxconn chính thức đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp WHA cùng dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam với tổng vốn khoảng 400 triệu USD. Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 400 triệu USD để sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).