Không trả lương cho người lao động cao tuổi có vi phạm gì không?

Bạn đọc có email tnhthax@xxx hỏi: Công ty tôi có ký HĐLĐ với người đã về hưu, nhưng không trả lương thì có vi phạm gì đối với thuế, bảo hiểm.. không?

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Giám đốc Công ty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM trả lời:

Khoản 1, Điều 166 BLLĐ 2012 quy định: 1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của bộ luật này.

Điều 167 BLLĐ 2012 quy định:

1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động.

Điều 90 BLLĐ 2012 quy định:

1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Khoản 9, Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như sau: Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, nếu công ty có giao kết HĐLĐ với NLĐ cao tuổi thì vẫn phải trả lương cho họ đầy đủ, mà không phải đóng BHXH, nhưng phải trả một khoản tiền tương đương tiền đóng BHXH vào lương cho họ. Nếu không trả lương cho họ là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, tiền lương của NLĐ còn là căn cứ để công ty tính thuế thu nhập doanh nghiệp và là căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân với NLĐ (nếu có).

NAM DƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/khong-tra-luong-cho-nguoi-lao-dong-cao-tuoi-co-vi-pham-gi-khong-613784.ldo