Không dễ buộc BVI minh bạch

Trong danh sách 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam lúc nào cũng có tên British Virgin Islands (BVI); chẳng hạn báo chí mới đưa tin, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư nước ngoài vào TPHCM trong sáu tháng đầu năm 2019 chính là BVI.

Hãng tin Bloomberg cũng vừa có một bài phóng sự dài về vùng đất chỉ rộng 153 ki lô mét vuông, dân số chưa đến 32.000 người, nhưng lại là địa chỉ đăng ký của hơn 400.000 công ty có tổng tài sản lên đến 1.500 tỉ đô la Mỹ!

British Virgin Islands chỉ rộng 153 km2, dân số chưa đến 32.000 người, nhưng lại là địa chỉ đăng ký của hơn 400.000 công ty có tổng tài sản lên đến 1.500 tỉ đô la Mỹ.

“Thiên đường” thuế hay “ thiên đường” bảo mật

Mỗi khi viết về BVI, người ta thường dùng kèm cụm từ “thiên đường” thuế hay “thiên đường” tránh thuế, có lẽ vì nhầm tiếng Anh “tax haven” (nơi ẩn trú) thành “tax heaven” (thiên đường) - nhưng không sao, cụm từ “thiên đường” thuế có lẽ giúp hình dung vai trò của BVI rõ nhất.

Bloomberg kể một nhóm luật sư cùng đại diện chính quyền BVI vào những năm đầu thập niên 1980 bắt tay soạn luật doanh nghiệp quốc tế cho nơi này với đặc điểm không đánh thuế lên lợi nhuận, kể cả lãi vốn, không đánh thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, không đánh thuế chuyển nhượng tài sản...

Đến đầu thập niên 1990, BVI trở thành địa điểm thu hút nhiều công ty đổ xô đến đây để thành lập doanh nghiệp, mỗi tháng ra đời cả ngàn công ty mới. Nhiều người nghĩ họ lập công ty ở BVI rồi đi làm ăn ở các nước để tìm cách trốn thuế. Điều này cũng đúng nhưng không phải là tất cả.

Một công ty đăng ký ở BVI rồi đầu tư vào Việt Nam chẳng hạn, thì bản thân công ty mới thành lập ở Việt Nam phải có nghĩa vụ thuế tại nơi họ hoạt động. Chỉ khi công ty này báo lỗ ở Việt Nam do phải chi nhiều tiền mua “công nghệ” từ một công ty khác cũng đăng ký ở BVI thì cả hai mới thật sự trốn thuế.

Nhiều công ty, hay ngay cả cá nhân, đăng ký thành lập doanh nghiệp ở BVI để giữ bí mật nguồn gốc hay dòng tiền. Chẳng hạn các tỉ phú Hồng Kông, như Li Kashing, người sáng lập tập đoàn CK Hutchison, bắt đầu sử dụng BVI để quản lý tài sản trước ngày Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Ngoài chuyện thuế hay bảo mật, nhiều người sử dụng bình phong BVI vì nhiều lý do khác nhau. Diễn viên Emma Watson mua ngôi nhà ở London thông qua một công ty ở BVI nhằm ngăn ngừa những kẻ hâm mộ quá khích biết nơi cô sống. Một dự án đầu tư vào Việt Nam chẳng hạn, nhưng do vài ba nhà đầu tư từ các nước khác nhau cùng bỏ vốn làm ăn, sẽ thích thành lập liên doanh mới tại BVI để tránh các quy định thuế phức tạp từ các nước này.

Bloomberg cho ví dụ các nhà đầu tư ở Silicon Valley ắt hẳn sẽ dễ rót tiền vào một công ty công nghệ Nga thành lập ở BVI thay vì thành lập ở Nga vì với họ hệ thống luật lệ của Anh dễ thở, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn.

Yêu cầu minh bạch

Quần đảo BVI gồm hơn 50 hòn đảo nằm ở vùng biển Caribe nhưng lại là lãnh thổ hải ngoại của Anh. Vì những tai tiếng liên quan đến trốn thuế, rửa tiền, nhất là sau vụ rò rỉ thông tin Hồ sơ Panama vào năm 2016, Quốc hội Anh chủ trương buộc BVI phải minh bạch mọi điều liên quan đến các công ty nước ngoài thành lập ở đây. Một trong những yêu cầu minh bạch là xây dựng một cơ sở dữ liệu có đầy đủ các thông tin về mọi doanh nghiệp và công khai cơ sở dữ liệu này.

Phóng viên Bloomberg kể BVI đã thuê công ty kế toán quốc tế BDO xây dựng cơ sở dữ liệu mang tên “Beneficial Ownership Secure Search System” hay viết tắt là BOSS. Tại buổi minh họa, nhân viên bấm vào một công ty có tên Almighty Dollar, màn hình cung cấp thêm các thông tin chi tiết: địa chỉ đăng ký là hộp thư PO Box 9272 tại Road Town, thành lập năm 2007, chủ công ty tên là John Zykov-Wumu, kèm theo ngày sinh và số hộ chiếu...

Tất cả chỉ là đồ giả để minh họa chứ ngay cả lãnh đạo BDO cũng không truy cập được cơ sở dữ liệu này. Chỉ có hai thành viên của Cơ quan Điều tra Tài chính BVI là có quyền truy cập, tìm kiếm thông tin trên hệ thống BOSS, có thông tin chi tiết về 600.000 chủ nhân các công ty thành lập tại đây.

BOSS sử dụng một công nghệ mã hóa chưa hề bị tin tặc bẻ khóa. Nếu có bất kỳ ai truy cập vào cơ sở dữ liệu từ một địa điểm bất thường như từ Triều Tiên chẳng hạn, thì cơ sở dữ liệu bị khóa ngay. Dữ liệu được lưu trữ tại một địa điểm bí mật chỉ vài người biết. Lãnh đạo BDO nửa kín nửa hở: “Tôi chỉ có thể nói nó nằm trong một nước G-7 nhưng không phải ở Mỹ”.

Nguồn thu lớn nhất cho BVI

British Virgin Islands đứng đầu danh sách rót vốn vào TPHCM trong 5 tháng đầu năm nay. Đồ họa: Nguyễn Loan

Mặc dù là nơi có đến gần nửa triệu công ty đăng ký hoạt động khắp toàn cầu, BVI vẫn là một quần đảo nghèo, đường phố chính vẫn còn thấy từng đàn gà chạy quanh kiếm mồi. Các hãng luật đại diện cho hàng ngàn công ty trú đóng trong những tòa nhà khiêm tốn nằm cạnh những tòa nhà bằng gỗ sơn màu rực rỡ bày bán quần áo hay làm tiệm trang điểm.

BVI không có hệ thống bưu điện; tất cả dân cũng như doanh nghiệp đều dùng hộp thư bưu điện. Nhiều hòn đảo nhỏ trong quần đảo BVI đã bị mua trọn, như Richard Branson, ông chủ tập đoàn Virgin, sở hữu đảo Necker; Larry Page, một trong hai nhà sáng lập Google mua hẳn đảo Eustasia. Trận bão Irma năm 2017 vẫn để lại dấu tích tàn phá BVI.

Thế nhưng, nếu không có các dịch vụ tài chính như hiện nay, BVI càng nghèo hơn nữa. Thành lập một công ty có dưới 50.000 cổ phần tốn phí chừng 450 đô la và phí duy trì hàng năm thêm 450 đô la nữa. Dù ít ỏi như vậy, dịch vụ tài chính kiểu này chiếm đến 62% trong tổng thu ngân sách của BVI là 372 triệu đô la hàng năm. Nếu công khai cơ sở dữ liệu cho mọi người được tham khảo, con số này chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh.

Theo một ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chuyển dịch lợi nhuận của doanh nghiệp đến những nơi có thuế bằng 0 làm các nước mất đi chừng 600 tỉ đô la tiền thuế. Dưới áp lực của Liên hiệp châu Âu (EU) đòi BVI thay đổi luật lệ để ngăn ngừa doanh nghiệp trốn thuế, BVI vừa có quy định có hiệu lực từ năm nay buộc doanh nghiệp đăng ký là pháp nhân đóng thuế của BVI phải có sự hiện diện nhất định tại BVI dưới hình thức văn phòng, nhân viên và có chi phí. Sẽ có hàng ngàn công ty phải đóng cửa hay phải nâng cấp hình thức ở Road Town, nhưng hạ tầng và nhân lực ở đây khó lòng đáp ứng nổi.

Trì hoãn đến 2023 hay xa hơn

Trở lại đòi hỏi minh bạch của Quốc hội Anh, điều luật yêu cầu những lãnh thổ hải ngoại như BVI có cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công khai phải thực hiện xong trước năm 2020. Tuy nhiên Chính phủ Anh lo ngại các thuộc địa cũ sẽ phản đối nên đang diễn giải điều luật của Quốc hội Anh theo hướng trì hoãn, các lãnh thổ có thể du di đến năm 2023.

Tình hình này buộc mọi người phải cân nhắc lại vai trò của Anh đối với các lãnh thổ như BVI. Quốc hội Anh có quyền ra các điều luật áp dụng cho BVI nhưng người dân BVI, mặc dù có hộ chiếu Anh, lại không có quyền tham gia các cuộc bầu cử ở Anh trừ phi đến Anh sinh sống. Nhiều người xem việc áp đặt luật lệ lên BVI là vi phạm mối quan hệ hiến định giữa BVI và Anh.

Thủ hiến mới được bầu của BVI, Andrew Fahie, ủng hộ việc trao cho các lãnh thổ hải ngoại Anh quyền phủ quyết các đạo luật Quốc hội Anh thông qua để áp dụng tại những nơi này. Nói với Bloomberg, ông Fahie cho biết BVI sẽ không đưa ra cơ sở dữ liệu công khai trừ phi nó được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Như đã nói ở trên, giá trị của việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở BVI không hẳn nằm ở chỗ tránh thuế. Có tác động lớn hơn, BVI đóng vai trò quan trọng trong việc che giấu tung tích thật của nhiều tài sản trên thế giới, làm việc điều tra tội trốn thuế hay các đường dây rửa tiền gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi doanh nghiệp có tranh chấp, điều tra xem dòng tiền chảy như thế nào cũng sẽ gặp khó nếu nó chảy qua BVI hay một “thiên đường” thuế nào khác.

Năm 2013, một nhóm các nhà báo điều tra lần lượt cho đăng tải các tin bài dựa trên 2,5 triệu tài liệu rò rỉ về các công ty hải ngoại, BVI nổi lên như một địa chỉ của giới rửa tiền và trốn thuế. Đến lượt vụ xì căng đan Hồ sơ Panama vào năm 2016, hơn một nửa công ty có tên trong hơn 11,5 triệu tài liệu rò rỉ lần này lại đăng ký ở BVI. Vụ Panama đã dẫn đến nhiều cuộc điều tra khắp nơi trên thế giới và chính phủ nhiều nước bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ về yêu cầu minh bạch công khai ở các lãnh thổ như BVI.

Tháng 6-2017, BVI ban hành điều luật bắt buộc mọi đại diện thành lập doanh nghiệp (hiện có chừng 140 nhân vật như thế ở BVI) phải cung cấp thông tin chi tiết lên một cơ sở dữ liệu riêng - từ đó mới ra đời hệ thống BOSS. Tuy nhiên, từ một hệ thống chỉ vài người được quyền truy cập đến một hệ thống mở, hoàn toàn công khai ắt phải còn một chặng đường dài.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291561/khong-de-buoc-bvi-minh-bach-.html