Không chần chừ đi khám bệnh dịp Tết

Quan niệm kiêng kị đi khám bệnh ngày Tết khiến nhiều người đến viện trong tình trạng bệnh lý trở nặng, khó tiên lượng, thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong.

Chớ chủ quan đi khám bệnh dịp Tết

Theo các chuyên gia y tế, quan niệm kiêng kị đi khám ngày Tết khiến nhiều người đến viện trong tình trạng bệnh lý trở nặng, khó tiên lượng, thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong.

Đêm Giao thừa người nhà đưa người bệnh (nam, 75 tuổi) từ Hưng Yên lên cấp cứu tại Bệnh viện E với chẩn đoán phình động mạch chủ ngực có chỉ định phẫu thuật. Ngay lập tức các bác sĩ trực cấp cứu đã tiến hành hội chẩn với bác sĩ Trung tâm tim mạch để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Theo các bác sĩ, thời gian nghỉ Tết, số ca bệnh vào viện giảm nhưng đa phần lại là những ca rất nặng, đòi hỏi xử trí nhanh chóng.

Thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, hiện cơ sở có 10 người bệnh đang điều trị, trong đó có 2 ca bệnh nặng phải thở máy. Đó là người bệnh nam (80 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê với chẩn doán tai biến mạch máu nào nhập viện trong giai đoạn muộn; người bệnh nữ (74 tuổi, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cũng rơi vào hôn mê với chẩn đoán suy hô hấp, vừa được các bác sĩ đặt ống nội khí quản...

Theo các bác sĩ, thời gian nghỉ Tết, số ca bệnh vào viện giảm nhưng đa phần lại là những ca rất nặng, đòi hỏi xử trí nhanh chóng. Đặc biệt, nguy cơ người bệnh bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não gia tăng và không được đưa cấp cứu kịp thời khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, đối mặt nguy cơ tử vong cao.

Cùng với đó, ngày Tết, các tai nạn giao thông, sinh hoạt gia tăng. Điển hình, như trường hợp người bệnh (nam 18 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng gặp tai nạn sinh hoạt với vết thương rất sâu ở bàn tay trái ảnh hưởng đến cơ và gân của người bệnh…

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Khoa cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết dịp Tết Nguyên đán hằng năm, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn.

Trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân. Khi về quê đón Tết cùng gia đình, trẻ gặp môi trường mới lạ, đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn hơn như ao, hồ, cây cối…

Trong khi đó, người lớn vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc. Các bậc phụ huynh cần lưu ý đề phòng những sự cố có thể xảy ra với trẻ.

Còn theo PGS.Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong dịp Tết đặc biệt vào những ngày cuối kỳ nghỉ lễ, Trung tâm thường tiếp nhận lượng bệnh nhân đông kỷ lục, trong đó có tỷ lệ lớn nhóm bệnh nhân, lỡ điều trị dịp Tết. Nhiều người ngại mấy ngày đầu năm không đến viện hoặc không chủ động thăm khám vì đường sá xa xôi, khiến bệnh trở nặng.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, tại các Trung tâm, đơn vị xung kích như Cấp cứu A9, Đột quỵ, Chống độc, Tim mạch.... từ sau thời khắc giao thừa đã có nhiều bệnh nhân nhập viện, trong số đó có bệnh nhân ngoại tỉnh. Các y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong ca trực hoạt động không ngơi nghỉ.

Mùa xuân ở ngoài khung cửa, còn trong bệnh phòng thì vẫn là không khí nghiêm túc rất đặc thù của một nghề luôn khắc nghiệt, nhiều áp lực, không được xao lãng kể cả phút xuân về.

Thống kê chưa đầy đủ thì tính đến trưa ngày mùng 1 Tết, Trung tâm Cấp cứu A9 đã tiếp nhận ở sảnh Cấp cứu ngoại là hơn 30 bệnh nhân, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân.

Con số này còn tiếp tục vì những ngày cận tết và trong tết thời tiết chuyển lạnh, cùng những rủi ro tiềm tàng như lạm dụng bia rượu, tham gia giao thông và những nguy cơ bệnh tật khác.

Thông tin về tình hình nhập viện tại cơ sở, TS.Hà Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cũng cho biết lượng bệnh nhân nhập viện sau Tết luôn tăng cao vì trước Tết, bệnh nhân tạm ổn định được cho ra điều trị ngoại trú.

Một số trường hợp sau Tết nhập viện chủ yếu do di chuyển nhiều, quên thuốc vì đi du lịch, đi chơi. Đặc biệt là những bệnh nhân tiểu đường, quên uống thuốc, tiêm thuốc, nặng lên phải nhập viện.

Theo TS.Vân Anh, dịp Tết, một số bệnh nhân khỏe mạnh lại có xu hướng di chuyển nhiều, không tuân thủ điều trị hoặc ăn uống không kiểm soát, ăn đồ nhiều giàu mỡ, tinh bột. Những bệnh nhân yếu, không di chuyển hơn lại có xu hướng hạn chế vận động, lười tập thể dục. Cả 2 trường hợp bệnh nhân như vậy đều không tốt cho sức khỏe.

Theo chia sẻ của PGS.Tuấn, từ mùng 3 Tết, số bệnh nhân tăng dần và đỉnh điểm rơi vào mùng 5 Tết. Người nhập viện thường là bệnh nhân mang bệnh lý mạn tính chuyển thành cấp tính do lỡ thời điểm điều trị mấy ngày Tết.

Chủ động công tác khám, cấp cứu dịp Tết

Để đáp ứng cho hoạt động khám, điều trị trong kỳ nghỉ Tết, PGS.Tuấn cho biết mỗi tua trực lên hàng trăm người gồm đội ngũ cơ hữu của khóa đến đội tăng cường từ các khoa phòng khác, bác sĩ nội trú, sinh viên thực tập… gối đầu, hỗ trợ nhau; đồng thời triển khai "trực 4 cấp" trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần, trực an ninh trật tự, luôn đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh thông suốt.

PGS.Tuấn lưu ý, thời tiết lạnh sâu như hiện nay, dễ gia tăng các bệnh viêm phổi, bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là ở người già. Để bảo vệ sức khỏe, ngoài việc tiêm phòng cúm, uống thuốc đều, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, các bệnh nhân vốn có bệnh lý mạn tính cần tránh tâm lý chủ quan dẫn tới diễn biến bệnh trở nặng, cộng thêm các yếu tố như thời tiết, bệnh lý, quên thuốc… sẽ khiến bệnh trở nặng nhanh hơn.

Còn bác sĩ của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong suốt dịp Tết vẫn duy trì hoạt động các khoa phòng cấp cứu, nội trú. Do vậy người bệnh có thể tới thăm khám bất kỳ khi nào, kể cả đêm giao thừa khi phát hiện dấu hiệu không ổn của cơ thể, tránh chủ quan, dẫn tới điều trị chậm trễ, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, dịp Tết người dân cần tăng cường vận động trong dịp nghỉ lễ thời tiết lạnh cần thiết và duy trì là việc cần làm với người bệnh cao tuổi. Nếu trời lạnh, bệnh nhân có thể tập trong nhà, tập đạp xe tại chỗ, tập daichi.

Duy trì chế độ vận động sẽ giúp các khớp linh hoạt, tránh ngã và điều hòa được vấn đề tim mạch, đường huyết. Uống đủ nước cũng rất quan trọng trong thời tiết lạnh.

vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, theo TS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, cơ sở đã chủ động triển khai các phương án chuẩn bị nhân lực, cơ số thuốc, vật tư y tế… cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Nhằm xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, Bệnh viện đã bố trí các ca trực 24/24 giờ, với sự tham gia của các bác sĩ nội khoa, bác sĩ ngoại và các điều dưỡng để cấp cứu người bệnh kịp thời nhất.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-chan-chu-di-kham-benh-dip-tet-d208847.html