Khởi tố nhiều đối tượng mua bán hóa đơn VAT khống

Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tiếp bóc gỡ nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tiếp bóc gỡ nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Loại tội phạm này hoạt động với rất nhiều chiêu trò tinh vi nhằm qua mặt cơ quan thuế. Đặc biệt hơn nữa, chúng còn rao bán một cách công khai trên mạng.

Hàng loạt vụ mua bán hóa đơn khủng

Mặc dù liên tục bị bóc gỡ và truy tố nhưng do thu lợi quá lớn nên loại tội phạm này ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Gần đây nhất, ngày 19/5/2017, lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ đã thực hiện quyết định khởi tố, bắt tạm giam Ngô Thị Bích Vân (45 tuổi - trú phường An Bình, quận Ninh Kiều) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT). Ngô Thị Bích Vân là Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tâm Vân Petro, có địa chỉ trên địa bàn quận Ninh Kiều, chuyên kinh doanh xăng dầu, khai thác cát, vận tải đường bộ - thủy; buôn bán máy móc, thiết bị, xây dựng... cơ quan điều tra đã phát hiện chủ doanh nghiệp này đã bán hơn 500 hóa đơn khống cho 12

doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa gần 30 tỷ đồng với số thuế giá trị gia tăng gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định trong thời gian kinh doanh, bà Vân đã sử dụng 84 hóa đơn khống của 6 doanh nghiệp có đăng ký giấy phép nhưng không hoạt động (doanh nghiệp ma) với doanh số gần 120 tỷ đồng, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng gần 12 tỷ đồng.

Một vụ mua bán hóa đơn GTGT khống bị cơ quan chức năng xử lý.

Trước đó, ngày 24/4, Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thanh Hợi, sinh năm 1960, ở xã Trường Lâm về hành vi mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thanh Hợi thành lập Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Hoa Linh, đăng ký kinh doanh: xây dựng công trình, khai thác đá, xẻ đá ốp lát, vận tải hàng hóa, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi..., nhưng thực chất công ty này không sản xuất kinh doanh. Từ năm 2011, Hợi trực tiếp đặt in hóa đơn GTGT và để hợp thức đầu vào, Hợi đã tìm đến các công ty tư nhân trong và ngoài tỉnh để mua bán hóa đơn. Hợi căn cứ hóa đơn đầu ra để cân đối kê khai hàng hóa, dịch vụ đầu vào với số tiền sao cho sau khi khấu trừ thuế GTGT, công ty do Hợi thành lập chỉ phải nộp thuế khoảng vài triệu đồng. Với thủ đoạn trên, từ năm 2013 đến khi bị bắt, Nguyễn Thanh Hợi đã mua bán trái phép gần 400 tờ hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống hàng hóa, dịch vụ đầu vào, đầu ra để trốn hơn 7 tỷ đồng tiền thuế, thu lợi bất chính gần 100 triệu đồng. Hành vi của Nguyễn Thanh Hợi phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” theo Điều 164 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, một đường dây mua bán hóa đơn GTGT với số tiền ghi khống lên đến hơn 1.400 tỷ đồng đã vừa được Công an TP.Hải Phòng triệt phá thành công. 6 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ trong vụ việc trên. Trong đó, đối tượng Ngô Thị Mai, trú tại Quán Toan, Hồng Bàng - kẻ cầm đầu đường dây này khai nhận từ năm 2009 đến nay, đã thành lập và mua chức danh của 7 công ty “ma” để tổ chức mua bán hóa đơn GTGT. Ngô Thị Mai và đồng bọn cũng thừa nhận đã xuất bán trái phép 60 quyển hóa đơn với số tiền ghi khống trên hóa đơn lên đến hơn 1.400 tỷ đồng để thu lợi bất chính.

Vẫn còn nhiều lỗ hổng

Theo các chuyên gia lĩnh vực thuế, thời gian gần đây khi có luật thuế GTGT thì có phát sinh những trường hợp các doanh nghiệp thành lập nhưng không kinh doanh dịch vụ hàng hóa mà kinh doanh trái phép hóa đơn chứng từ. Trước hết là do hiện nay đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng rất dễ dàng, thứ hai là trong lĩnh vực kinh doanh buôn bán hóa đơn không phải ngay lập tức cơ quan thuế có thể phát hiện ra được bởi vì các đối tượng khi thực hiện mua bán hóa đơn trái phép rất là kín kẽ. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo Thượng tá Đàm Văn Khanh - Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội, các đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng trong cải cách hành chính và tận dụng kẽ hở trong việc thành lập doanh nghiệp, xin cấp đổi thông tin, đăng ký kinh doanh để thực hiện hành vi vi phạm...

Bên cạnh đó, các đối tượng thành lập công ty và có địa chỉ trụ sở nhưng thực tế không hoạt động... Hoạt động của các công ty ma này thường xuất hóa đơn nhưng không hoạt động và với số lượng lớn hoặc mua lại công ty kém hiệu quả nhưng vẫn còn hóa đơn để sử dụng công ty đó thay đổi người đại diện pháp luật nhằm trốn tránh cơ quan thuế.

Tuy lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý, liên tục triệt phá và khởi tố các đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT nhưng hoạt động của loại tội phạm này vẫn tiếp diễn và gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm. Thậm chí, hoạt động tội phạm này còn được tổ chức một cách công khai. Rõ ràng, hành vi mua bán hóa đơn ghi khống với số tiền lớn như vậy đang cho thấy tính chất mà mức độ phạm tội là hết sức nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần “lấp các lỗ hổng” từ chính sách thuế, cấp phép, thay đổi đăng ký kinh doanh... để quản lý chặt hơn những vi phạm này.

Minh Tú - Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khoi-to-nhieu-doi-tuong-mua-ban-hoa-don-vat-khong-n133289.html