Khơi thông điểm nghẽn cho phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Ngày 8-6, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÀNH TRUNG

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 nhằm phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Đề triển khai thực hiện nghị quyết, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thông qua các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia…

Sau 17 năm (2004-2020) thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông; lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy; đời sống của nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện. Phần lớn các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW cơ bản được hoàn thành.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Quy mô kinh tế vùng nhỏ, cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chuyển dịch chậm; phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công...

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THÀNH TRUNG

Để khắc phục, tháo gỡ những nút thắt, nhằm định hướng phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW. Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong quá trình tổng kết cần đi sâu, bổ sung và làm rõ những lợi thế, thách thức mà Nghị quyết 37-NQ/TW chưa đề cập đến, nhất là trong bối cảnh mới; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới mà quá trình tổng kết cần mở rộng nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết chuyên đề có liên quan. Trên cơ sở đó, đề xuất trúng và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội vùng và các địa phương trong vùng, biến các điều kiện bất lợi trở thành lợi thế…

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị tất cả các đồng chí trong Ban chỉ đạo, Tổ biên tập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phát huy tinh thần sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc nhằm hoàn thành các mốc tiến độ đề ra, xây dựng thành công đề án tổng kết. Trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn 2045”, phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới, nhất là thực hiện định hướng phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

GIA MINH - MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/khoi-thong-diem-nghen-cho-phat-trien-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-661931