Khoảnh khắc bất ngờ trong ngày nhậm chức của ông Biden

Nước Mỹ chứng kiến một khoảnh khắc mà New York Times gọi là 'bất thường' và 'thoáng qua', khi các đài truyền hình cáp hàng đầu, cả cánh tả lẫn cánh hữu, đồng thuận với nhau.

"Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ, và cầu Chúa bảo vệ những binh sĩ của chúng ta. Cảm ơn nước Mỹ" là những câu cuối trong bài phát biểu nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden hôm 20/1 (giờ địa phương).

Lễ nhậm chức kết thúc với lời kêu gọi về một kỷ nguyên của sự hòa giải. Ngay sau đó, hàng loạt đài truyền hình lớn ở Mỹ đã đưa ra những lời bình luận có cánh về bài diễn văn của tân Tổng thống Biden.

Ông Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters.

"Khoảnh khắc chỉ thoáng qua"

Wolf Blitzer, dẫn chương trình của đài CNN, phát biểu rằng "thế giới đã chứng kiến nền dân chủ trụ vững trước những cuộc thử nghiệm lớn nhất".

Trên MSNBC, một đài truyền hình thiên tả và ủng hộ ông Biden, người dẫn Brian Williams cho rằng ông Biden "đã có bài diễn văn nhậm chức đúng theo kiểu các tổng thống trước đó từng đưa ra".

Trên kênh truyền hình Fox News, người dẫn chương trình Chris Wallace đã bình luận rằng: "Tôi đã theo dõi lễ nhậm chức tổng thống từ năm 1961, và tôi nghĩ đây là bài diễn văn nhậm chức hay nhất mà tôi từng nghe".

Điều đáng chú ý là Fox News là kênh truyền hình thiên hữu và thường xuyên phản đối đảng Dân chủ. Nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng của đài này, như Sean Hannity hay Laura Ingraham, là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Trump và nhiều lần chỉ trích ông Biden.

Cũng trên Fox News, chiến lược gia của đảng Cộng hòa Karl Rove bình luận rằng ông Biden "đã đưa ra một bài phát biểu tuyệt vời cho thời điểm này".

Phòng họp báo Nhà Trắng trong lúc buổi lễ nhậm chức của ông Biden diễn ra. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, đây chắc chắn là một khoảnh khắc "chỉ thoáng qua", theo bình luận của New York Times.

Nhiều hãng truyền thông ủng hộ ông Trump đã chỉ trích tân tổng thống ngay trong những giờ đầu nhậm chức.

Trên đài cánh hữu Newsmax, một chuyên gia đã gọi công tác an ninh chặt chẽ của lễ nhậm chức là "một nỗ lực nhằm trấn áp tiếng nói của người dân Mỹ".

Những điều đặc biệt khác

Lễ nhậm chức của ông Biden chắc chắn là một trong những lễ nhậm chức đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong nhiều thập niên, lễ nhậm chức của các tổng thống đều diễn ra với cùng một khuôn mẫu: tân tổng thống sẽ đến Nhà Trắng để chào người tiền nhiệm, sau đó lên đoàn xe hộ tống đến Điện Capitol để làm lễ trước hàng trăm nghìn người, và cuối cùng giới truyền thông sẽ dùng nhiều mỹ từ để chúc mừng việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Năm 2020 và 2021 chứng kiến nước Mỹ trong một tình thế đặc biệt, và lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ cũng không phải một ngoại lệ.

200 nghìn lá cờ Mỹ được dựng lên giữa Điện Capitol và Đài tưởng niệm Washington để thay cho hàng trăm nghìn người không thể đến dự lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: AP.

Lễ nhậm chức của ông Biden diễn ra gần một năm sau khi nước Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch Covid-19. Chỉ sau một năm, Mỹ đã trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, với hơn 400.000 ca tử vong và gần 25 triệu ca mắc.

Thêm vào đó, chỉ hai tuần trước, cũng chính tại Điện Capitol, một đám đông giận dữ ủng hộ ông Trump đã xông vào cơ quan lập pháp cao nhất của nước Mỹ, đánh dấu "một cuộc tấn công lớn nhất vào nền dân chủ Mỹ".

Tất cả những điều này đã khiến cho lễ nhậm chức của vị tổng thống thứ 46 có một không khí khác hẳn.

"Bạn sẽ không thấy nhiều du khách hay khán giả, bạn sẽ thấy rất nhiều cảnh sát và quân nhân. Làm thế nào mà chúng ta lại chứng kiến việc thủ đô Washington D.C. có nhiều nhân viên chấp pháp hơn cả các vùng chiến sự tại nước ngoài?", ông Blitzer nói trên đài CNN.

Lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ thường được hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người, tham gia trực tiếp. Năm nay, do tình hình dịch bệnh và mối nguy an ninh, chỉ có vài nghìn người được mời đến, và khoảng 200 nghìn lá cờ Mỹ đã được đặt trước Điện Capitol để thay cho hàng trăm nghìn người không thể đến dự lễ nhậm chức.

Sự rời đi đặc biệt

Thay vì chào đón ông Biden, ông Trump và gia đình đã quyết định sẽ rời đi bằng trực thăng đến căn cứ không quân Andrews trước khi đến Florida. Đây là lần đầu tiên điều này diễn ra trong 152 năm.

Khoảnh khắc ông Trump bước lên trực thăng Marine One khiến người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC nhớ lại một tổng thống Mỹ tiền nhiệm. "Hình ảnh hiện lên trong tâm trí tôi lúc này là của Tổng thống Richard Nixon, người rời nhiệm sở năm 1974 bằng trực thăng".

Ông Donald Trump và bà Melania Trump bước lên Air Force One lần cuối cùng trong tư cách gia đình đệ nhất của nước Mỹ. Ảnh: AP.

Việc ông Trump bỏ qua lễ chào người kế nhiệm được truyền thông chú ý. "Đây là khoảnh khắc sang trang, song tôi chưa từng thấy tổng thống nào cố gắng giữ quyền lực như vậy", John Dickerson, người dẫn chương trình của CBS News, bình luận.

Trên Fox News, những phút cuối của nhiệm kỳ đầy sóng gió của ông Trump được bao phủ bằng những bình luận cảm xúc. "Ông ấy chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Chưa ai trong lịch sử Mỹ bị đối xử tồi tệ như ông Trump trong bốn năm qua", một người dân tên Steve Doocy nói.

Tại căn cứ không quân Andrews, ông Trump đã tổ chức buổi phát biểu cuối cùng của mình với cương vị tổng thống. Trái với những cuộc mít tinh chìm trong biển người, buổi phát biểu của ông Trump chỉ có gia đình, nhân viên và một số ít người ủng hộ.

Khoảnh khắc chiếc Air Force One lăn bánh để đưa ông Trump trở về Florida, màn hình các kênh đồng loạt được chuyển sang cảnh của gia đình nhà Biden. "Gia đình Biden. Một khởi đầu mới", dẫn chương trình Anderson Cooper của đài CNN bình luận.

Quốc Tuệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoanh-khac-bat-ngo-thoang-qua-trong-ngay-nham-chuc-cua-ong-biden-post1175822.html