Khoản 3 điều 8 Nghị định 20, nếu không phù hợp thì phải sửa đổi

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo 'Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ' được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây.

Nghị định 20 được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống trốn thuế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù với mục đích như vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đồng thời mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những lĩnh vực đặc thù, cần nguồn vốn lớn như bất động sản.

Các chuyên gia đã có nhiều phân tích đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của Nghị định 20 với các doanh nghiệp:

Các chuyên gia tại buổi Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA): Việc sửa Nghị định là khả thi và trước mắt không áp dụng mức 20%

Là người gắn bó với ngành thuế, trước khi làm Chủ tịch Hội tư vấn Thuế, tôi có 13 năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, gắn bó với các chính sách thuế, tôi thấy như sau: Trong quá trình xây dựng pháp luật, tất cả các văn bản đều phải có dự thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, rồi mới trình lên Chính phủ. Nghị định 20 cũng phải tuân thủ những bước đó.

Liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, tôi thấy tồn tại nhiều bất cập. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc cho vay giữa công ty mẹ và công ty con có nhiều cơ hội và khả năng trốn thuế, chuyển giá vì vậy khống chế là đúng. Nhưng mức khống chế là bao nhiêu cần được làm rõ.

Còn đối với các doanh nghiệp không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì động cơ chuyển giá mang đến mục tiêu chuyển dịch lợi nhuận là không có. Đương nhiên sẽ có trường hợp các doanh nghiệp vay xuyên biên giới của ngân hàng khác và có động cơ, cơ hội chuyển giá, trốn thuế, nếu như làm biện pháp đó với việc khống chế lãi vay Ngân hàng Nhà nước thì được. Một chính sách thuế phải phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải phù hợp với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khó khăn.

Do vậy, theo tôi việc sửa Nghị định là khả thi và trước mắt không áp dụng mức 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, không có ưu đãi thuế, không có hiệp định liên kết. Chúng tôi cũng cố gắng nỗ lực kiến nghị lên trên để vừa chống chuyển giá, vừa để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA).

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty TNHH PwC: Doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng nhiều bởi Nghị định 20

Khi Nghị định 20 đề ra, chúng tôi đã có thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thật sự quan tâm lắm.

Chúng tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài. Phần vì tỉ lệ lãi, vốn vay của các doanh nghiệp nước ngoài không quá cao nên bản thân lãi suất cũng đã có sự khống chế nhất định. Với Nghị định 20, nguyên tắc chống chuyển giá chính là chống chuyển giá trong giao dịch liên kết. Và một trong những nguyên tắc đó là xác định giá trên cơ sở thị trường.

Đối với lãi vay, để tránh việc chuyển giá, cần xem mức lãi suất đó hợp lý hay không. Đối với giao dịch khác có thể xem xét, có thể khó khăn, nhưng trong giao dịch cho vay thì việc này rất dễ. Việt Nam có thị trường liên ngân hàng, vậy với tất cả các khoản vay nước ngoài thì tỉ lệ bao nhiêu là phù hợp với mức độ rủi ro và thị trường?

Ngoài ra, đây là một trong những phương pháp mà BEPS đưa ra, nhưng đi kèm đó còn có những quy tắc nữa, vì nếu không thì ngay lập tức các tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề là chúng ta định nghĩ lãi suất khống chế như thế nào, hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ra sao? Đối với doanh nghiệp nước ngoài khi mới đầu tư vào Việt Nam họ đã xem xét điều này, còn những doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì mức độ quan tâm của họ rất ít, phản ứng không nhiều bằng hiệp hội các doanh nghiệp trong nước.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty TV-TM-DV Hoàng Quân: Những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong nước

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, chúng tôi thấy những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thì ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty TV-TM-DV Hoàng Quân.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, nên chăng đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cần có những quy định riêng.

Thứ hai, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, dự án hay sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã khuyến khích các start-up. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình start-up. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn.

Tóm lại, từ góc nhìn doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ việc dừng Nghị định là khó, chúng tôi nghĩ cách tốt nhất mong các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018.

Chúng tôi mong có sự thay đổi cho năm 2018 để các doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội.

TS. Võ Trí Thành: Cần có những nội dung sửa đổi căn cơ, căn bản

Theo TS. Thành, Nghị định 20 là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ. Đây là bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn.

Về thông lệ quốc tế, chúng ta phải hiểu thông lệ quốc tế là cái không bắt buộc, là cái khuyến khích, tuy nhiên, áp dụng như thế nào là tùy, trong OECD có nước áp dụng có nước không, và các nước áp dụng khác nhau. Tinh thần hội nhập là cố gắng áp dụng thông lệ quốc tế nhưng cơ bản là tự nguyện.

Nói sâu về mục đích của Nghị định này, TS Thành cho rằng: có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên.

Ông Thành kiến nghị cần có thời gian khoảng một năm để nghiên cứu, sửa đổi. Nên áp dụng và đưa chuẩn mực thông lệ quốc tế này vào áp dụng tại Việt Nam.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/khoan-3-dieu-8-nghi-dinh-20-neu-khong-phu-hop-thi-phai-sua-doi-4319.html