Khi người trẻ tự 'chữa lành'
Chọn cách kết nối với thiên nhiên để tự chữa lành những 'vết thương tâm lý' hay tìm lại cảm giác sống chậm đang trở thành một xu hướng du lịch phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Xả bỏ căng thẳng
Sau đợt dịch COVID-19 căng thẳng, bạn Hoàng Thùy Dương (SN 1991, Dương Dương Blog) phải chịu nhiều áp lực hơn trong công việc, gánh nặng về kinh tế, đôi khi rơi vào trạng thái tù túng, chán nản. Cô nghĩ, nếu đang bất ổn và thiếu năng lượng tích cực nhưng vẫn ở trong môi trường sống nhanh, sống gấp, ồn ào thì khó có thể tự chữa lành.
Vì vậy, Dương quyết định tìm về thiên nhiên, chọn một thử thách, đó là leo núi để có cảm giác mạnh và giải tỏa tâm trí. Cô đã leo đỉnh Pha Luông (được ví là nóc nhà Mộc Châu); check-in 3 cực Bắc - Đông - Nam; khám phá hang động Tú Làn (Quảng Bình)…
“Đứng trên đỉnh cao nhìn xuống, xung quanh thênh thang và rộng lớn, mọi cảm xúc dồn nén trong lòng đều bung tỏa, tan vào không gian. Lòng mình như được thanh lọc, an yên hơn”, Dương chia sẻ.
Hơn nữa, leo núi còn cho Dương cảm giác hạnh phúc khi vượt qua được giới hạn của chính mình. Mỗi chuyến đi, cô thường thiền vào buổi sáng đón bình minh hoặc tập yoga nhẹ nhàng để khởi động và hòa mình vào thiên nhiên.
Theo Dương, du lịch “chữa lành” khác với những chuyến du lịch thông thường. Đó là tạm rời xa nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt để tìm về vùng thiên nhiên, núi rừng, tận hưởng không khí trong lành và lắng nghe nhịp sống của tự nhiên. “Mình có thời gian lắng lại, thả lỏng với bản thân và dễ dàng cân bằng về tinh thần”, Dương nói.
Ngoài những áp lực về công việc, bạn Phan Lai (SN 1993, ở thành phố Hội An, Quảng Nam) đang bị một áp lực nặng nề khác là phải nhanh chóng kết hôn khi đã ở độ tuổi 30. Cộng với những mệt mỏi sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Lai quyết định chọn đi du lịch đến cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).
Đôi mắt được tiếp xúc với thảm xanh của núi rừng, đôi chân trần chạm vào nền đất đỏ bazan cao nguyên, bàn tay cảm nhận được cái mát lạnh của nước thác, đôi tai được rót đầy âm thanh trong trẻo của tự nhiên... Lai cảm nhận mình như đang lạc vào chốn bồng lai.
“Lắng nghe âm thanh của lá cây cùng gió, tôi xả bỏ hoàn toàn những căng thẳng tích tụ từ lối sống bận rộn thường ngày. Tôi thấy thư giãn vô cùng và như có một dòng chảy năng lượng xuyên suốt trong cơ thể, khiến tâm trí chuyển động tự do, phóng khoáng hơn”, Lai chia sẻ.
“Nhiều người đi du lịch, gần gũi với thiên nhiên nhưng không tiếp xúc với thiên nhiên, vẫn sử dụng mạng xã hội hay nằm trong phòng điều hòa, mang theo thói quen sinh hoạt ở đô thị sẽ không đạt được hiệu quả”.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga
Cần ngắt kết nối với công việc, mạng xã hội
Vũ Thanh Lâm (SN 2001, ở Hà Nội) thường dành cuối tuần để chạy xe trong rừng với một tốc độ nhanh. Cảm giác chạy xe trong rừng (bộ môn mạo hiểm offroad) mang đến cho Lâm nhiều phấn khích. Khi được cầm lái chiếc xe, vượt qua những địa hình hiểm trở với vô vàn nỗi sợ, Lâm ý thức được như đang “cầm lái” chính cuộc sống của mình. Sau mỗi thử thách như vậy, Lâm dễ dàng đối mặt với những áp lực trong công việc thường ngày hơn và xem nó như một hành trình “đi rừng”.
“Sau một tuần làm việc dài, mình thường cảm thấy kiệt sức vì công việc. Những chuyến đi rừng giúp mình cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Trong mỗi chuyến đi, mình nhớ nhất những khoảnh khắc chinh phục được con dốc cao, hay lội qua con suối sâu… Biết là sẽ rất tốn sức nhưng mình lại cảm thấy như được nạp thêm năng lượng”, Lâm tâm sự.
Với Lâm, việc chạy xe trong rừng là một cách để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, công việc. “Không gian im lặng và yên tĩnh của núi rừng mang đến cho tôi một sự thư giãn rất dễ chịu. Chạy xe trong rừng không gây ảnh hưởng tới người khác, không gây ô nhiễm môi trường”, Lâm nói.
Nhìn nhận về xu hướng tự “chữa lành” của người trẻ, Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga lý giải, đây là quá trình tự trở nên lành lặn của những gãy vỡ, tổn thương, khác với trị liệu chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà chuyên môn y tế hoặc tâm lý. Cho dù một người có bị tổn thương cần được trị liệu hay không, tất cả chúng ta đều mưu cầu đạt đến sự cân bằng, ổn định của cơ thể và tâm trí. Quá trình này có thể bao gồm nhiều phương pháp, từ truyền thống đến hiện đại, như lối sống, ăn uống, tập thể dục, yoga, massage, thiền định, chăm sóc sức khỏe tinh thần, trị liệu tâm lý hay dược lý và nhiều hơn nữa.
ThS. Nga cho rằng, khi chọn cách tìm về thiên nhiên, để được nghỉ ngơi và thực sự hồi sinh tinh thần khỏi căng thẳng, mệt mỏi, người trẻ cần ngắt kết nối với các hoạt động công việc, internet, mạng xã hội…
Vị chuyên gia tâm lý cho rằng, khi đã hiểu giá trị của thiên nhiên đem lại, ngay cả khi sống trong đô thị, người trẻ vẫn có thể tự tạo quãng nghỉ theo tuần bằng việc thiết kế không gian xanh trong chính nơi ở, nơi làm việc mà không dựa dẫm hay trông đợi vào những ngày nghỉ ngắn hạn trong năm.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-nguoi-tre-tu-chua-lanh-post1530074.tpo