Khi gia đình tan vỡ…

Tới phiên xử phúc thẩm, cặp vợ chồng vẫn bức xúc như khi còn xử sơ thẩm. Nghe họ khai, ai nấy đều chạnh lòng, thương cho bé gái gần 3 tuổi ốm nhách phải thường xuyên thấy cha mẹ cãi vã, rồi tranh chấp quyền nuôi con.

Người cha (trú TP. Nha Trang) kháng cáo xin được nuôi con, nhưng không chứng minh được các điều kiện thuận lợi nuôi con của bản thân, mà chỉ tập trung vạch tội người mẹ: Từ chuyện tắm cho con, đến chuyện cho uống sữa chưa chu đáo... Mâu thuẫn sinh hoạt cứ vậy, kéo dài suốt 5 năm chung sống, kết thúc bằng ly thân rồi đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Người cha bảo, người mẹ đã bỏ đi hơn 1 năm; con được bà nội và cha trực tiếp chăm sóc; cháu đã học mầm non; cha có thu nhập, chỗ ở ổn định, không cần mẹ cấp dưỡng nuôi con.

Không kể về quãng thời gian chung sống, cũng không thanh minh sai đúng, người mẹ chỉ nói, hiện tại chị đủ điều kiện nuôi con, cũng không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Chị học ngành sư phạm mầm non, sau khi trở về quê ngoại ở miền Đông Nam Bộ, chị đã xin được việc làm, có thu nhập ổn định; nghề nghiệp của chị lại có thể linh động sắp xếp thời gian nên có thể dành nhiều thời gian chăm sóc con. Hơn nữa, con gái chị còn nhỏ nên rất cần được mẹ chăm sóc. Chị không chủ động bỏ gia đình mà là bị chồng đuổi ra khỏi nhà, cấm mang theo con. Chị đã nhiều lần về thăm con nhưng đều bị anh cấm cản; gọi điện thoại thì anh không bắt máy, chặn số. Sau khi chị bị đuổi đi, dịch Covid-19 bùng phát. Người cha đi làm ngoại tỉnh, kẹt dịch không về được nhưng vẫn gọi điện thoại về cấm người nhà cho chị gặp con. Con chị do bà nội chăm... Nghe vậy, người cha phản đối, nói đã xin về làm gần nhà, đang trực tiếp chăm con cùng ông bà nội; con ở với cha rất tốt...

Cuộc đấu khẩu chỉ dừng lại khi đại diện viện kiểm sát phát biểu. Ngoài phân tích các yếu tố về giới tính, độ tuổi của con, điều kiện công việc của người mẹ, vị này còn cho rằng, diễn biến phiên tòa cho thấy có căn cứ xác định người cha ngăn cản không cho người mẹ thăm nom, chăm sóc con chung. Tòa đã bác đơn kháng cáo, tiếp tục giao con cho mẹ nuôi, đồng thời bổ sung nội dung người cha phải giao con chung cho người mẹ. Nghe tòa tuyên, người cha tỏ rõ sự giận dữ, công khai dọa nạt người mẹ nhận lại con, tới mức những người dự phải khuyên chị về trước. Người mẹ đành nhìn con từ xa rồi ra về…

Phiên tòa kết thúc nhưng cơ hội thực tế được nuôi con của người mẹ xem ra còn khó khăn. Có người bình luận: Tòa không giao con cho cha nuôi dưỡng nhưng vẫn khẳng định cha có quyền và nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở. Có thể sau này người chồng cũ bình tĩnh hơn, sẽ nhận ra điều này và không căng thẳng với vợ cũ nữa. Thực tế, cha mẹ ly hôn vốn đã gây cú sốc tâm lý cho con cái; nếu hai bên cứ bực tức nhau và tranh giành con thì chỉ làm cho trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề hơn, ấn tượng về gia đình càng tồi tệ.

TAM THUẬT

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202404/khi-gia-dinh-tan-vo-684752d/