Khi các 'quý tử' báo nợ gia đình - Kỳ 3: Cha mẹ già 'tán gia bại sản' vì con

Suốt 7 năm trời đôi vợ chồng già khấp khởi mừng thầm vì đứa con trai độc nhất là cán bộ ngân hàng, công ăn việc làm ổn định. Nào ngờ, sự thật khiến ông bà như chết lặng khi Công an đến nhà khám xét và thông báo con trai của ông bà lừa đảo chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng. Để giúp con trai, vợ chồng ông đã phải bán hết nhà cửa để lấy tiền đền bù cho bị hại…

Bùi Hữu Thắng trước vành móng ngựa. Ảnh: Thủy Tiên

Giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo

Vợ chồng ông Bùi Văn S, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là bộ đội về hưu và chỉ có một cậu con trai duy nhất là Bùi Văn Thắng, SN 1986. Dù gia đình không thuộc vào hàng khá giả nhưng vợ chồng ông S luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Thắng được ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Sau khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân, Thắng muốn vào làm việc tại ngân hàng. Và cũng chính từ mong muốn này, cậu con trai quý tử của ông S đã trở thành tội phạm lừa đảo, đẩy bố mẹ già vào cảnh tán gia bại sản…

Theo lời của Thắng, quá trình đi xin việc, thông qua bạn bè, Thắng quen biết một người tên Nguyễn Khắc Tùng, người này tự xưng là nhân viên ngân hàng Vietcombank Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội. Qua bàn bạc, thỏa thuận, Thắng đã đưa cho Tùng 300 triệu đồng để xin vào làm nhân viên của ngân hàng này.

Sau đó, Tùng đưa cho Thắng một văn bản quyết định Thắng trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nghệ An. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Thắng phát hiện quyết định đó là giả nhưng khi nghe Tùng nói số tiền 300 triệu đồng Thắng đưa cho Tùng trước đó sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm với lãi suất cao nên Thắng không ý kiến gì nữa.

Mất tiền lại không xin được việc, Thắng nảy sinh ý định lừa đảo. Thắng lừa dối vợ chồng ông S là mình đã trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng. Khi thấy con trai đưa tờ giấy quyết định, vợ chồng ông S tưởng thật nên đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi con trai đã trở thành cán bộ ngân hàng.

Từ đó, hàng ngày Thắng xách xe “đi làm”, với dáng người cao ráo, nước da trắng trẻo lại thêm cặp kính cận thư sinh, ăn mặc đúng phong cách nhân viên ngân hàng nên ai cũng tin Thắng là cán bộ ngân hàng thật. “Con mồi” mà Thắng nhắm đến là những người có điều kiện kinh tế, không trừ bất kỳ ai kể cả anh em, họ hàng nội tộc cũng trở thành nạn nhân của Thắng.

Khi tiếp cận với “con mồi” Thắng tự giới thiệu mình là nhân viên ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nghệ An và đưa ra thông tin ngân hàng này đang có chương trình huy động vốn dành riêng cho nhân viên của ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao, tùy số tiền gửi nhiều hay ít, lãi suất có thể hơn 20%/năm. Thắng còn “nổ” rằng, bản thân có thể xin được việc vào các cơ quan Nhà nước.

Để tạo lòng tin cho các bị hại, Thắng đã rất tinh vi khi làm giả các giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận số tiền, hình thức góp vốn như: biên bản huy động vốn, thông báo về việc kéo dài hạn định cho hợp đồng, giấy hẹn tất toán của ngân hàng đưa cho bị hại.

Bị hại nào có việc gấp cần rút tiền thì Thắng yêu cầu nộp nhiều khoản phí để làm thủ tục mới rút ra được, đồng thời Thắng viết giấy cam đoan là sẽ trả lại tiền cho họ. Vì thế, các bị hại tiếp tục đưa thêm tiền cho Thắng để lấy số tiền mình đã gửi về. Với thủ đoạn gian dối hết sức tinh vi, trong vòng 7 năm từ 2011 đến 2018, Thắng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 bị hại với số tiền gần 11 tỷ đồng.

Nạn nhân bị Thắng lừa số tiền nhiều nhất là bà Nguyễn Thị L, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà L đã đưa cho Thắng tổng cộng 3,8 tỷ đồng với mục đích gửi ngân hàng lấy lãi suất cao. Để bà L tin tưởng, Thắng đã sử dụng tài liệu giả của ngân hàng đưa cho bà L xem.

Thế nhưng, đến lúc bà L có việc cá nhân cần tiền và muốn rút ra thì Thắng yêu cầu phải đóng phí rút tiền. Để lấy được tiền, bà L nghe theo hướng dẫn của Thắng và đã nhiều lần đưa cho Thắng gần 1,4 tỷ đồng tiền phí. Tổng số tiền mà Thắng chiếm đoạt của bà L là gần 5,2 tỷ đồng.

Đẩy bố mẹ già vào cảnh tán gia bại sản

Tháng 3/2021, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Hữu Thắng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”; tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Tại tòa, các bị hại yêu cầu Thắng trả lại số tiền đã chiếm đoạt của họ, Thắng cho biết bản thân không có khả năng trả nợ. Vợ chồng Thắng đã ly hôn, không có tài sản gì, số tiền gần 11 tỷ đồng liên quan đến vụ án, Thắng đã đưa hết cho Tùng và chỉ được Tùng trích 2% hoa hồng. Toàn bộ thông tin về chương trình huy động vốn đều do Tùng hướng dẫn Thắng thực hiện. Song, Tùng đang làm gì, ở đâu, địa chỉ cư trú chỗ nào thì Thắng không biết.

Trước đó, một bị hại đã từng cùng Thắng ra Hà Nội để tìm nhân vật tên Nguyễn Khắc Tùng. Nhiều ngày đứng đợi ở trụ sở Vietcombank Việt Nam, Thắng gọi điện cho Tùng nhưng không xuất hiện. Bị hại này và Thắng đành ngậm ngùi ra về.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã xác minh về người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng. Kết quả xác minh từ ngân hàng cho thấy, từ trước tới nay đơn vị này không có nhân viên nào tên Nguyễn Khắc Tùng. Phía ngân hàng cũng không có chương trình huy động tiền tiết kiệm như thông tin Bùi Hữu Thắng nói với các bị hại.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi lừa đảo của bị cáo là nghiêm trọng nên cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi khi đã thực hiện các giao dịch mà không đến trụ sở ngân hàng. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Bùi Hữu Thắng tù chung thân. Buộc bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo của các bị hại.

Cay đắng, tủi hổ khi đứa con trai được tiếng ngoan ngoãn, thành đạt bổng chốc trở thành tội phạm, vợ chồng ông Bùi Văn S đã rất sốc. Suốt 7 năm trời, vợ chồng ông vẫn nghĩ con mình là nhân viên ngân hàng cho đến khi Công an đến nhà… Bởi hàng ngày, Thắng vẫn đi làm rồi về nhà theo giờ hành chính nên gia đình không hề biết chuyện.

Được biết, có những lần Thắng vắng nhà, ông S có đứng ra viết giấy nhận tiền của các bị hại rồi đưa cho con, số tiền khoảng 800 triệu đồng. Dù không hưởng lợi gì từ khoản tiền này nhưng khi Công an vào cuộc, ông S đã trả lại số tiền này cho các bị hại. Để có khoản tiền lớn này, vợ chồng ông bà đã phải bán đi căn nhà là toàn bộ tài sản mà ông bà có.

Sau khi bán nhà để trả một phần nợ thay con, vợ chồng ông S đã phải thuê một phòng trọ nhỏ để sống. Tuổi đã già, sức khỏe yếu, vợ ông S đang mang bệnh hiểm nghèo, khi nghe tin con trai phạm tội, bệnh của bà càng nặng hơn. Trước khi Thắng hầu tòa, mẹ của Thắng phải vào viện cấp cứu. Muốn cứu giúp con nhưng không còn tài sản gì nữa, ngay cả sổ lương hưu của vợ chồng ông S cũng đều đã cầm cố để lấy tiền chữa bệnh cho vợ.

Tại tòa, Bùi Hữu Thắng gửi lời xin lỗi bố mẹ, người thân và các bị hại. Nhưng lời xin lỗi đã quá muộn màng…

(Còn nữa)

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khi-cac-quy-tu-bao-no-gia-dinh-ky-3-cha-me-gia-tan-gia-bai-san-vi-con-360732.html