'Khẩu vị'của hòa bình tại Libya

Hòa bình cho Libya được 'chế biến' theo kiểu Pháp, phong cách Italy hay đậm vị Libya? Bình luận của báo TG&VN.

Hội nghị Palermo nhằm vãn hồi hòa bình tại Libya tổ chức ngày 12 - 13 11, với sự góp mặt của các bên tham chiến chỉ cho thấy bế tắc và chia rẽ.

Điểm sáng duy nhất trong sự kiện này nằm ở việc lãnh đạo của hai phe phái lớn nhất tại Libya, ông Fayez Al-Sarraj đại diện cho Hội đồng Tổng thống được Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ và Tướng Khalifa Haftar đại diện cho lực lượng quân sự kiểm soát Tripoli và Benghazi đã lần đầu tiên gặp gỡ. Trong quãng thời gian ngắn ngủi, hai bên đã đạt được thỏa thuận bước đầu, theo đó ông Haftar sẽ không lật đổ ông Sarraj cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức tại Libya mùa hè năm sau.

Các nhà quan sát cho rằng Italy đã ít nhiều đưa hai phe phái lớn ngồi lại với nhau, tìm kiếm đồng thuận cho một lộ trình nhằm ổn định, xây dựng thể chế thống nhất, dọn đường cho cuộc bầu cử mới sau nhiều năm nội chiến. Đây là thành tựu đáng nể dành cho ông Conte, người chỉ mới lèo lái đất nước hình chiếc ủng trong vòng chưa đầy năm tháng.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (phải) và Đặc phái viên của LHQ về Libya Ghassan Salame. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ để mang lại hòa bình cho Libya.

Đầu tiên, cả phe Sarraj và phe Haftar đều chưa nắm quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của mình và chiến sự có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Xung đột ở Libya là cuộc tranh giành tài nguyên thiên nhiên giữa các nhân tố trong nước và quốc tế. Một kế hoạch hòa bình thiếu vắng thỏa thuận về phân chia quyền kiểm soát dầu mỏ sẽ khó có thể đạt được và khả thi.

Thứ hai, Hội nghị Palermo thiếu vắng sự tham dự của các nhân tố quốc tế chủ chốt trong xung đột tại Libya. Mỹ cử quyền trợ lý Ngoại trưởng các vấn đề Cận Đông David Satterfield tham dự, còn đại diện cho Đức và Pháp là hai Bộ trưởng. Thêm vào đó, hầu hết những đại diện quốc tế đều bỏ về giữa chừng và không tỏ ra quá quan tâm tới sự kiện này.

Thứ ba, hội nghị Palermo thể hiện rõ nét khác biệt quan điểm giữa Rome và Paris về vấn đề Libya, khi cả hai đều mong muốn tìm kiếm hòa bình theo cách của riêng mình. Hồi tháng 5, Pháp đã tổ chức một hội nghị quy tụ những phe phái đối lập tại Libya ngay trước khi chính phủ mới của Italy được thành lập. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công du Washington và công bố kế hoạch về hội nghị Palermo. Pháp ủng hộ ông Haftars, trong khi Italy bảo trợ cho chính quyền của ông Sarraj. Ngay cả những công ty dầu khí từ Paris và Rome cũng đang tranh giành thị phần tại đất nước châu Phi này. Italy chiếm khoảng 54% thị trường Libya trong khi Pháp chỉ chiếm khoảng 10%.

Quan điểm đối lập giữa hai quốc gia nòng cốt tại EU phản ánh sự tương phản rõ rệt đang chia tách khối này. Nước Pháp dưới thời ông Macron đã trở thành người bảo vệ của mô hình EU, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tự do, khuyến khích các nước tăng cường hợp tác. Trong khi đó, Italy, điều hành bởi một liên minh cực tả và dân túy, lại theo đuổi cách tiếp cận “Nước Ý trên hết”, chống EU và người nhập cư.

Một thỏa thuận hòa bình được xúc tiến bởi Rome và không chịu ảnh hưởng từ Paris hay Brussels sẽ thúc đẩy uy tín của cách tiếp cận này, qua đó củng cố vững chắc vị thế của liên minh. Quan trọng hơn, nó còn đồng nghĩa rằng Italy có thể quyết định số phận của những người nhập cư thay vì phải tiếp tục “nghe lệnh” từ EU.

Phát biểu sau hội nghị Palermo, Đặc phái viên của LHQ về Libya Ghassan Salame đã tự tin rằng cả Pháp và Italy đều đã gác lại những bất đồng để hướng tới hòa bình. Song hòa bình cho Libya được “chế biến” theo kiểu Pháp, phong cách Italy hay đậm vị Libya vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/khau-vicua-hoa-binh-tai-libya-82074.html