Khát vọng vươn mình cùng cây cao su

LTS: Dưới tán rừng cao su trải dài từ Tây Bắc đến Đông Nam Bộ, hàng ngàn lao động – phần lớn là người dân tộc thiểu số – đã tìm thấy lối đi mới cho cuộc sống. Không chỉ đổi thay về thu nhập, họ còn tìm thấy mái ấm, niềm tin và khát vọng tương lai. Loạt bài 6 kỳ sau đây do PV Tiền Phong thực hiện sẽ khắc họa hành trình đổi đời nhờ cây cao su – nơi con người và đất đai cùng hồi sinh trong nhịp sống mới, bền bỉ và giàu nhân văn.

BÀI 1: Người phụ nữ Mường Nhé và đôi tay vàng giữa rừng cao su Tây Bắc

Giữa núi rừng Tây Bắc trập trùng, nơi đất đỏ bazan như ôm trọn từng tấc chân người, có một người phụ nữ lặng lẽ, cần mẫn mỗi ngày trên vườn cao su bạt ngàn của Mường Nhé. Đó là chị Lù Thị Vân, 35 tuổi – một trong những công nhân tiêu biểu của Công ty Cao su Mường Nhé Điện Biên, người được mệnh danh là “đôi tay vàng” của ngành cao su vùng cao.

Hơn 15 năm gắn bó giữa đại ngàn cao su

Cùng chồng là anh Lường Văn Tâm, 40 tuổi, chị Vân đã có hơn 15 năm gắn bó với cây cao su. Khi Công ty Cao su Mường Nhé triển khai những bước đầu trên mảnh đất này, vợ chồng chị là những công nhân đầu tiên tình nguyện vào làm.

 Vợ chồng anh Lường Văn Tâm - chị Lù Thị Vân trên chiếc xe máy leo dốc vào rừng cao su

Vợ chồng anh Lường Văn Tâm - chị Lù Thị Vân trên chiếc xe máy leo dốc vào rừng cao su

Không nghề nghiệp ổn định, thu nhập trước đây của hai vợ chồng chỉ dựa vào vài sào ruộng nương. Nhưng từ khi vào công ty, anh chị có lương đều đặn, có bảo hiểm và môi trường làm việc ổn định, cuộc sống gia đình bắt đầu đổi thay.

Chị Vân bộc bạch: "Trước mình làm nương rẫy rồi đi làm thuê lặt vặt, thu nhập không ổn định. Từ ngày làm cao su, cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn. Càng làm càng thấy yêu nghề, yêu công ty nên mình luôn cố gắng, học hỏi để làm tốt hơn mỗi ngày.”

Nhớ lại thời điểm trước khi quyết định vào làm cao su, chị Vân cứ nghĩ công việc cạo mủ là vất vả, nhưng khi làm rồi thì thấy rất hợp với mình.

 "Mỗi sáng lên vườn sớm, nghe tiếng chim rừng, tay cạo nhịp nhàng, cảm giác như đang gieo mầm cho tương lai.”, Chị Vân chia sẻ.

"Mỗi sáng lên vườn sớm, nghe tiếng chim rừng, tay cạo nhịp nhàng, cảm giác như đang gieo mầm cho tương lai.”, Chị Vân chia sẻ.

Còn anh Tâm thì tâm sự đầy xúc động: “Đây là mảnh đất đã nuôi sống cả gia đình tôi. Từ cây cao su, tôi có công việc ổn định, con cái được học hành đầy đủ. Nơi này cũng đã vun đắp tình yêu, cuộc sống vợ chồng tôi suốt bao năm.”

Bàn tay vàng giữa đại ngàn

Không chỉ cần cù, chị Vân còn nổi bật nhờ tay nghề khéo léo. Kỹ thuật cạo mủ của chị đạt độ chuẩn xác cao, mủ về đều và nhiều, tỉ lệ tổn thương thân cây thấp – điều rất quan trọng trong ngành cao su.

Chị từng nhiều lần đạt giải thưởng chuyên môn, trong đó có giải thưởng “Bàn tay vàng” cấp ngành và là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều công nhân trẻ.

“Lúc đầu tôi cũng chưa giỏi đâu, nhưng cứ thấy đồng nghiệp cạo đẹp, thi giỏi là mình học theo. Tham gia hội thi 'Bàn tay vàng' là động lực để mình rèn luyện mỗi ngày. Khi được xướng tên nhận giải, tôi rất xúc động, thấy công sức mình bỏ ra không uổng phí.”

“Chị Vân là một điển hình xuất sắc về lao động giỏi, kỷ luật tốt. Không chỉ hoàn thành tốt công việc, chị còn tích cực tham gia công tác đoàn thể, tương tác tốt với đồng nghiệp và gắn bó với địa phương. Gia đình chị là một trong những nền móng đầu tiên đặt nên thành công cho công ty.”...

Ông Trần Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mường Nhé, nhận xét.

Niềm tự hào của bản làng

Từ đồng lương làm cao su, vợ chồng chị Vân đã mua được đất, xây được nhà, lo cho con cái ăn học đầy đủ. “Hồi mới cưới, hai vợ chồng sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ, giờ thì đã có ngôi nhà vững chãi ngay mặt tiền quốc lộ, các con đi học không còn phải lội xa như trước,” anh Tâm cho biết.

Cuộc sống ổn định giúp chị Vân có thêm thời gian học thêm kỹ thuật mới, hướng dẫn các công nhân trẻ. “Mình từng được người khác dạy nghề, giờ mình giúp người khác, coi như trả nghĩa cho cây cao su,” chị nói.

 Nhờ những phấn đấu và thành tích cao trong nghề, chị Lù Thị Vân vinh dự được T.Ư Đoàn vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XV năm 2025.

Nhờ những phấn đấu và thành tích cao trong nghề, chị Lù Thị Vân vinh dự được T.Ư Đoàn vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XV năm 2025.

Không chỉ là người công nhân mẫu mực, chị Vân còn là niềm tự hào của bản làng. Trong các buổi họp bản, chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm việc, kỹ năng quản lý tài chính và khuyến khích bà con cùng vào công ty làm việc để có thu nhập ổn định.

“Đi làm cao su rồi mới thấy cái nghèo không phải là số phận – nó thay đổi được nếu mình chịu khó, chịu học,” chị chia sẻ chân tình.

Giữa bạt ngàn xanh thẳm của rừng cao su, những giọt mủ trắng rơi đều như hạt ngọc – minh chứng cho lao động bền bỉ và niềm tin vào cuộc sống. Người phụ nữ Mường Nhé ấy, với đôi tay vàng và trái tim ấm, đang mỗi ngày góp phần dựng xây một vùng quê đổi thay từng ngày.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên, phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đồng thời thể hiện sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc vùng giàu truyền thống cách mạng.

 Ông Nguyễn Hữu Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên trò chuyện với PV Tiền Phong về cây cao su ở địa phương

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên trò chuyện với PV Tiền Phong về cây cao su ở địa phương

Sau hơn 12 năm thực hiện, diện tích cao su đã phủ xanh đồi núi, bản làng khởi sắc, đời sống người dân ổn định hơn khi có việc làm tại công ty, vẫn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Xem lại danh sách công nhân "Bàn tay vàng" trong đội ngũ công nhân cạo mủ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thời gian gần đây, ngày càng nhiều công nhân Tây Bắc. Những người công nhân quá quen với cái vất vả, đến khi được đào tạo, tập luyện, họ "bung" sức nhiệt tình. Anh em trong công ty vẫn tếu táo với nhau: công nhân Tây Bắc được "tu luyện" về sức khỏe, kỹ thuật vì độ dốc, địa hình.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên vui mừng nói.

Hiện, Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên quản lý gần 1.200 ha cao su, sử dụng 250 lao động, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mức lương trung bình 6,1 triệu đồng/người/tháng, tuy còn thấp so với những vùng khác nhưng lại là thu nhập khá so với địa phương. Ngoài ra, công nhân được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ xăng xe, cơm trưa…

Cũng theo ông Toàn, sau thời gian đầu tư, đến năm 2018, công ty bắt đầu đưa vườn cao su vào khai thác. Đến nay, tổng lợi nhuận đạt hơn 13 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 1,5 tỉ đồng.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khat-vong-vuon-minh-cung-cay-cao-su-post1761984.tpo