Khẳng định tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển đất nước

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 20-5 tại Hà Nội. Đợt này có 18 tác giả, cố tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và 95 tác giả được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm được trao tặng đợt này. Ảnh: CTV

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm được trao tặng đợt này. Ảnh: CTV

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến của các thế hệ văn nghệ sỹ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền văn học, nghệ thuật cách mạng thời gian qua,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật, đồng thời chăm lo phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học, nghệ thuật; tôn vinh các văn nghệ sĩ trên cơ sở cống hiến của họ đối với đất nước.

Trong số các tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này có nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. Do điều kiện sức khỏe không tới dự được lễ trao giải nên ông đã được nhận giải tại nhà riêng ở Hà Nội.

Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 tại Bình Định. Ông được coi là một trong những nhà nghiên cứu và tác giả sân khấu hàng đầu Việt Nam. Ông đã dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu về nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. Ảnh: Bích Nguyên

Với các công trình nghiên cứu "Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng" (1963), "Đặc trưng nghệ thuật Tuồng" (1988), "Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc" (1995), "Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống" (1999), "Khơi nguồn mỹ học dân tộc (2003), Mịch Quang là một trong những người mở đường và đạt được những thành tựu quan trọng xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam.

Không chỉ nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang còn là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu cho sân khấu cách mạng Việt Nam. Ông đã sáng tác hơn 20 kịch bản gồm các đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại, được nhiều đơn vị nghệ thuật trên cả nước dàn dựng. Trong đó, các vở “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Thanh gươm hát bội” được đánh giá cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, được khán giả cả nước yêu thích.

Với sự cống hiến không mệt mỏi trong giữ gìn, phát huy nghệ thuật dân tộc, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khang-dinh-tam-quan-trong-cua-van-hoc-nghe-thuat-doi-voi-su-phat-trien-dat-nuoc/