Khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Trung Quốc cho biết đã có 71 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 18 tỉnh. Các ổ dịch tiến dần sát xuống biên giới phía Nam khiến Việt Nam khẩn cấp ban hành Kế hoạch ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF)

Cụ thể, theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3.8 đến ngày 16.11, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 71 ổ dịch xuất hiện tại 18 tỉnh. Nhưng thông tin này được cho là đã được cập nhật lại, khi mới đây, con số đó chỉ dừng lại ở 14 ổ dịch tại 6 tỉnh.

Theo thống kê, tổng cộng đã có hơn 470.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra nhiều tỉnh ở Trung Quốc.

Còn theo ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y, thì ở Trung Quốc hiện đã có 81 ổ dịch tại 20 tỉnh thành của Trung Quốc. Có hơn 570.000 con lợn phải tiêu hủy. Trong đó, có các ổ dịch gần biên giới Việt Nam. Đáng ngại nhất là tỉnh Vân Nam, có thành phố Phổ Nhĩ cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam chỉ khoảng 150km.

Trên thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 18.11.2018, đã có 19 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi, với hơn 373.000 con nhiễm bệnh, trong đó hơn 123.000 con chết vì bệnh, hơn 856.000 con có nguy cơ nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam, tuy chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhưng Cục Thú y nhận định nguy cơ bệnh từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta vẫn rất cao.

Con đường lây nhiễm có thể qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh.

Việt Nam chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng nguy cơ từ nước ngoài xâm nhiễm vào vẫn rất cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đông cho biết, Chính phủ và Bộ NNPTNT đã có các chỉ đạo khẩn cấp đồng thời triển khai các biện pháp diễn tập ứng phó khẩn cấp đối với ASF nếu có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam.

Từ ngày 12.9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1194 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn câu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đến ngày 15.11, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã Ban hành Quyết định số 4527 về việc Quyết định ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bộ NNPTNT cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương tổ chức phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau tết Nguyên đán. Vì nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ giết mổ gia súc gia cầm trong giai đoạn này rất nhiều nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh lây lan rất lớn.

Việc kiểm soát con đường mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn rất quan trọng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại Đồng Nai, trước diễn biến phức tạp của bệnh, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng dịch bệnh xâm nhiễm địa bàn Đồng Nai.

Mục tiêu của kế hoạch là chủ động phòng, chống hiệu quả; khống chế, dập tắt dịch bệnh khi mới phát hiện và còn ở diện hẹp; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo cho sản xuất chăn nuôi phát triển.

Kế hoạch hành động của UBND tỉnh nêu rõ: Khi xảy ra ổ dịch, phải tiêu hủy ngay đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh, hỗ trợ tài chính cho người có lợn bị tiêu hủy. Đồng thời xác định giới hạn vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; đặt biển báo, chốt kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua vùng có dịch.

Đồng Nai hiện có tổng đàn lợn lớn nhất nước với khoảng 2,2 triệu con, nếu xảy ra dịch sẽ gây thiệt hại lớn. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần chủ động triển khai kế hoạch ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp. Theo kế hoạch, tổng kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch lần này gần 18 tỷ đồng.

OIE cho rằng Việt Nam phải làm mọi cách để không cho lợn và sản phẩm từ lợn ở nước có dịch di chuyển vào trong nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Ronello Abila - Trưởng Văn phòng OIE tại các nước Đông Nam Á cho biết OIE nhận thức ASF là căn bệnh rất nguy hiểm nên từ lâu đã xây dựng các biện pháp kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn để kiểm soát bệnh này.

Trong tình hình hiện nay, OIE sẽ tiếp tục thảo luận với các quốc gia thành viên về các biện pháp kỹ thuật, làm thế nào để ASF không xâm nhiễm được vào các nước chưa có mầm bệnh. Cũng như nếu nhiễm bệnh sau đó rồi các biện pháp kiểm soát ra sao.

Với Việt Nam, hiện nay việc phòng bệnh là biện pháp chính. Phải làm mọi cách để không cho lợn và sản phẩm từ lợn ở nước có dịch di chuyển vào. Nếu sơ hở, vấn đề sẽ trở nên nguy hiểm và khó kiêm soát.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/khan-cap-ung-pho-dich-ta-lon-chau-phi-934585.html