Khai trương Phòng Thí nghiệm IoT tại Hòa Lạc

(ICTPress) - “Sự ra đời của Phòng thí nghiệm IoT tại Hòa Lạc để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp là hành động mạnh mẽ khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ, của Bộ Khoa học công nghệ, của Khu CNC Hòa Lạc về việc hỗ trợ phát triển cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.

Ngày 7/7/2016, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đã diễn ra Hội thảo “Hợp tác Phát triển KHCN Hòa Lạc 2016 - chủ đề Internet of Things” cùng “Lễ khai trương Phòng thí nghiệm Hòa Lạc IoT - Hòa Lạc IoT Lab” (HIL).

Đến dự và tham gia sự kiện có ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KHCN, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ KHCN, Bộ TT&TT, Bộ Y Tế, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội, đại diện 14 Hội và Hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT, đại diện các tổ chức ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp (DN) KHCN.

Cũng tại Hội thảo, đã có đại diện của gần 70 nhà đầu tư đã đang và sẽ đầu tư vào Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cùng đông đảo các đại diện của cộng đồng khởi nghiệp IoT tại Việt Nam. Chương trình còn có Tổng giám đốc Khối kinh doanh sản phẩm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Tổng giám đốc thị trường Việt Nam của tập đoàn Intel, Tổng giám đốc khu vực ASEAN và Tổng giám đốc Việt Nam của DELL.

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo và Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương cho biết: “Phòng thí nghiệm IoT Hòa Lạc - hoạt động theo mô hình Phòng thí nghiệm kiểu mới, không sử dụng ngân sách nhà nước, được thành lập và hoạt động dựa trên sự đóng góp của cộng đồng - được thành lập bởi 4 sáng lập viên là Khu CNC Hòa Lạc HHTP, Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, INTEL và DELL Việt Nam với mục tiêu kết nối các tổ chức cung cấp nền tảng, thiết bị và ứng dụng IoT với cộng đồng khởi nghiệp và xây dựng ứng dụng IoT tại Việt Nam”.

Sự ra đời của Phòng thí nghiệm IoT tại Hòa Lạc để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp là hành động mạnh mẽ khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ, của Bộ KHCN, của Khu CNC Hòa Lạc về việc hỗ trợ phát triển cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương khẳng định.

Tại Hội thảo này, Tổng giám đốc Khối kinh doanh sản phẩm của Intel Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, ông Lonnie McAlister chia sẻ: “Vào tháng 1/2016, Intel đã cùng 8 công ty hàng đầu thuộc các ngành khác nhau, công bố cùng thành lập Quỹ Kết nối mở Open connectivity Foundation OCF (tiền thân từ Hiệp hội liên kết mở Open Interconnect Consortium - OIC) nhằm thống nhất các tiêu chuẩn Internet kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things) để các công ty và công đồng phát triển có thể tạo ra các giải pháp và thiết bị IoT làm việc thông suốt và tương tác được với nhau, mở ra cơ hội phát triển hệ sinh thái IoT cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo điều kiện cho các DN và công ty khởi nghiệp IoT có thể sáng tạo và phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Tầm nhìn của OCF là hàng tỷ thiết bị kết nối IoT (điện thoại, máy tính, thiết bị các ngành…) có thể kết nối với nhau dễ dàng theo tiêu chuẩn chung, bất kể từ nhà sản xuất, hệ điều hành , bộ vi xử lý hay là kiểu kết nối nào. Như vậy thì bất cứ ai, kể từ công ty công nghệ lớn cho đến nhà sáng chế tại gia cũng đều có thể áp dụng tiêu chuẩn mở của OCF để sáng tạo và hoàn thiện các sản phẩm của mình ra thị trường.

“Hôm nay, Intel Việt Nam trở thành đồng sáng lập IoT lab Khu CNC Hòa lạc với mục tiêu kết nối, giới thiệu và giúp đưa các Tiêu chuẩn công nghiệp mở IoT toàn cầu về Việt Nam một cách thiết thực, nhằm góp phần phát triển hệ sinh thái IoT một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”, ông Lonnie McAlister khẳng định.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Chiến, Giám đốc quốc gia Khối DN Dell Việt Nam phát biểu: “IoT là một hướng đi mới của CNTT và có ứng dụng rất rộng lớn trong tất cả các ngành nghề. Dell với vai trò là nhà sản xuất hạ tầng CNTT hàng đầu trên thế giới đã rất tích cực tham gia thúc đẩy sự phát triển của IoT. Dell đã thành lập IoT Lab đầu tiên tại Santa Clara, Hoa Kỳ vào tháng 9/2014, tại Limerick, Ireland vào tháng 6/2015, và tại Singapore vào tháng 1/2016. Nhiệm vụ cơ bản của các IoT Labs là tạo ra một hạ tầng chuẩn tắc để các đơn vị phát triển giải pháp có thể thử nghiệm, kiểm tra và hoàn thiện giải pháp IoT của họ trước khi đưa ra thị trường”.

Với hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, Dell giúp các đơn vị giải pháp có thể thương mại hóa sản phẩm của mình trong thời gian ngắn nhất, với một tầm phủ thị trường rộng lớn nhất. Đồng thời giải phóng họ khỏi sự lo lắng về tính sẵn sàng và chất lượng của các thiết bị cần thiết. Tại Việt Nam, Dell đã tiếp cận, hỗ trợ, và thúc đẩy các giải pháp IoT từ rất sớm đặc biệt trong các ngành như giao thông, y tế, nông nghiệp, môi trường,…

Dell Việt Nam vui mừng hợp tác với Bộ KHCN, Khu CNC Hòa Lạc, Trung tâm Ươm tạo DN CNC HBI, và các đối tác Intel Việt Nam và DTT để thành lập IoT Lab đầu tiên tại Việt Nam. Với sự kiện này, Dell Việt Nam một lần nữa khẳng định sự cam kết vào hỗ trợ phát triển ứng dụng CNTT tại Việt Nam, và ươm mầm cho các giải pháp sáng tạo trong nước, ông Nghiêm Xuân Chiến chia sẻ thêm.

Cũng tại Hội thảo này, ông Nguyễn Thế Trung tổng giám đốc công ty công nghệ DTT cho biết kết hợp sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp và cơ hội vàng của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, IoT là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra các khởi nghiệp thành công đồng thời đóng góp vào giai đoạn mới của ứng dụng KHCN tại Việt Nam.

Với kinh nghiệm 15 năm phát triển các giải pháp tích hợp phức tạp và kinh nghiệm phát triển nền tảng chính quyền điện tử nguồn mở, người đứng đầu DTT bày tỏ vui mừng được tham gia HIL một cầu nối ba bên giữa DN công nghệ, khởi nghiệp IoT và thị trường. DTT hi vọng sẽ sớm có cơ hội đầu tư vào một số khởi nghiệp IoT xuất sắc và cùng phát triển nền tảng IoT mở trên chuẩn OCF và sử dụng các công nghệ phần cứng tiêu chuẩn công nghiệp. “DTT mong muốn được đồng hành nhân rộng mô hình này tại nhiều nơi trên toàn quốc."

Phòng thí nghiệm IoT Hòa Lạc tọa lạc trong tòa nhà Trung tâm ươm tạo DN CNC – Khu CNC Hòa Lạc. Bên cạnh Khu Trưng bày, giới thiệu, demo thử nghiệm về các công nghệ IoT như Smart Home, Smart City, IoT trong công nghiệp, IoT Giao thông thông minh, IoT trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục. HIL cũng được cuang cấp các nền tảng phát triển, các thiết bị và các công nghệ mới ngay tư khi chưa được thương mại hóa của các nhà cung cấp như DELL và INTEL, Hòa Lạc IoT Lab còn bao gồm các phòng làm việc, nghiên cứu cho các tổ chức, chuyên gia và các nhóm khởi nghiệp IoT cũng như các nền tảng phát triển ứng dụng, các khóa đào tạo, các sự kiện/ hội thảo liên quan đến IoT do các thành viên của HIL cung cấp.

Với vai trò là cầu nối giữa công nghệ và thực tiễn, Hòa Lạc IoT Lab chào đón tất cả các cá nhân, tổ chức quan tâm đến IoT cũng như khởi nghiệp IoT đăng ký trở thành thành viên của mình, bên cạnh các thành viên sáng lập, HIL sẽ nhanh chóng mở rộng các thành viên của mình ngay sau khi bước vào hoạt động chính thức. Các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ được trưng bày sản phẩm công nghệ IoT của mình tại phòng Lab.

Khởi nghiệp là đối tượng phục vụ chính của HIL, các cá nhân và tổ chức khởi nghiệp IoT sẽ được tiếp cận và tham gia HIL miễn phí.

QA

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/chuyen-dong-nganh/khai-truong-phong-thi-nghiem-iot-tai-hoa-lac