Khai thác tiềm năng du lịch hồ Suối Chiếu

Những năm gần đây, ngoài các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: Đình Chu, rừng thông Noong Cốp, rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đồn bản Mo..., hồ Suối Chiếu là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn ở Phù Yên, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Một góc hồ Suối Chiếu, bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên).

Một góc hồ Suối Chiếu, bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên).

Hồ Suối Chiếu nằm trên địa bàn bản Chiếu, xã Mường Thải, cách quốc lộ 32 hơn 10 km. Tháng 6/2012, công trình thủy lợi hồ Suối Chiếu hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ nước sản xuất nông nghiệp của 9 xã vùng hạ lưu: Huy Thượng, Huy Tân, Quang Huy, Huy Hạ, Tường Phù, Gia Phù, Tường Thượng, Tường Hạ, Huy Tường. Là một trong những hồ nhân tạo lớn của tỉnh, rộng hơn 50 ha, có suối Chiếu và suối Lạt cung cấp nước; xung quanh hồ có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, có nguồn suối khoáng nóng, nguồn lợi thủy sản dồi dào; ven hồ là những vườn cây ăn quả, những nếp nhà độc đáo của đồng bào dân tộc Mường, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.

Theo người dân ở đây, năm 2012, khi hồ tích nước đã có nhiều du khách đến tham quan, khám phá, vì vậy nhiều gia đình đã cải tạo thuyền chở nông sản, thuyền đánh cá và mua thêm áo phao phục vụ du khách tham quan. Sau đó, tuyến đường từ trung tâm xã vào hồ Suối Chiếu xuống cấp, đi lại khó khăn, nên khách tham quan ngày càng ít dần. Đến đầu năm 2018, do nằm trên cung đường du lịch Tà Xùa, Pu Nhi (Bắc Yên), nên hồ Suối Chiếu lại đón nhiều du khách. Theo đó, dịch vụ cho thuê áo phao, đưa khách khám phá hồ bằng thuyền máy, dịch vụ ăn uống, ngủ cộng đồng đã phát triển.

Gia đình anh Hà Văn Thắng, bản Chiếu, xã Mường Thải đã gần 7 năm nhận thầu một phần diện tích hồ để nuôi cá lồng. Gần nhà có nguồn nước khoáng nóng, nên anh đã dẫn nước về mở dịch vụ tắm khoáng nóng. Anh Thắng cho biết: Từ khi lượng khách du lịch tăng, tôi đã mua 20 chiếc áo phao, sửa lại thuyền để đưa đón khách du lịch trải nghiệm hồ, khám phá suối Lạt. Ngoài ra, gia đình tôi còn nhận đặt cơm cho khách, thu nhập trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Hiện, trong bản có 9 hộ tham gia đưa đón khách tham quan, du lịch trên mặt hồ. Tới đây, các hộ sẽ hoàn tất thủ tục, hồ sơ thành lập tổ hợp tác dịch vụ du lịch hồ Suối Chiếu để hoạt động nền nếp, quy củ hơn.

Hồ suối Chiếu đã được quy hoạch vào Đề án phát triển du lịch bền vững của huyện Phù Yên giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, huyện Phù Yên đã kêu gọi đầu tư du lịch hồ Suối Chiếu. Trong đó, tháng 11/2019, HTX Ban Mai (Hà Nội) đầu tư trên 17 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng gần 3 ha, với các hạng mục: Phòng ngủ, bể bơi ngoài trời, bể tắm trong nhà, nhà hàng, dịch vụ câu cá thư giãn, chèo thuyền Kayak, khu bán các sản phẩm lưu niệm, nông sản địa phương... bảo đảm có thể đón từ 150-200 khách du lịch cùng lúc, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Với việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, có đầu tư kết hợp với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường bản Chiếu, hy vọng khu du lịch sinh thái hồ Suối Chiếu sẽ thu hút đông đảo du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khai-thac-tiem-nang-du-lich-ho-suoi-chieu-31123