Khách Việt kể những điều sửng sốt khó tin khi du lịch Ethiopia

Đến Ethiopia, anh Lê Minh (29 tuổi, ngụ TPHCM) đã không khỏi ngạc nhiên trước đời sống của người dân giữa thiên nhiên hoang dã.

"Nước và lương thực rất quý giá, xin bạn hãy sử dụng chúng tiết kiệm nhất" - Degu, nam hướng dẫn viên bản địa nói với Lê Minh trong ngày đầu tiên anh đặt chân đến Ethiopia vào tháng 11/2022.

Ethiopia vẫn còn khá xa lạ với du khách Việt Nam. Lê Minh cho biết, anh bị cuốn hút bởi những hình ảnh về quốc gia nằm ở phía Đông châu Phi, nơi sinh sống của những bộ lạc cổ nguyên thủy.

Những trẻ em thuộc bộ lạc Karo (Ảnh: Lê Minh).

Đồng thời, Ethiopia còn được mệnh danh là vùng đất "khởi nguồn của loài người", bởi ở thung lũng Omo, người ta đã tìm thấy hóa thạch hài cốt của vượn người 4 triệu năm trước.

Vì thế, Lê Minh đã dành 12 ngày để khám phá vùng đất này. Thủ đô Addis Ababa, cao 2.355m so với mực nước biển, đã đón anh bằng không khí se lạnh. Minh khẽ rùng mình trong lúc ngồi trên ô tô di chuyển về khách sạn.

Bộ lạc Hammer tại Ethiopia dùng nước lấy từ sông (Ảnh: Lê Minh).

Xe dừng để dùng bữa trưa, Minh vào WC để mở vòi rửa mặt thì bất ngờ, vòi nước chảy khá chậm, khoảng 3-4 phút mới đầy vốc nước. Degu giải thích, nước sạch ở Ethiopia rất hiếm, vì thế, mọi người sử dụng khá tiết kiệm.

"Điều này cũng xảy ra ở khách sạn trung tâm Addis Ababa, hệ thống đột ngột bị mất nước khiến các nhân viên lẫn khách lưu trú phải hì hục xách nước từ tầng trệt lên phòng", anh Minh nhớ lại.

Trước khi di chuyển sang thung lũng Omo, Degu dặn mọi người phải mua khoảng 2-3 thùng nước lọc để sử dụng trong suốt hành trình bởi ở đó, nước sạch khan hiếm.

Cô bé Hammer uống nước ngay tại rãnh đất (Ảnh: Lê Minh).

Lê Minh chỉ thật sự tin điều này khi anh chứng kiến khoảnh khắc cô bé 16 tuổi, người Hammar khụy xuống uống nước tại rãnh đất. Bộ lạc Hammer sinh sống du mục, quy tụ thành cộng đồng thuộc thung lung Omo. Họ tách biệt với văn minh xã hội hiện đại, các ngôi nhà làm từ đất sét, thức ăn là vỏ đậu nành và chú trọng chăn nuôi gia súc.

Tuy nhiên, họ hầu như không có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Buổi sáng, Minh thấy những người phụ nữ địu con đi qua quãng đường đầy bùn lầy, đất sình ẩm thấp. Khi tìm thấy rãnh nước, họ lấy chai nhựa mà du khách để lại để múc uống.

"Có một số em còn nhỏ nhưng vẫn uống nước có lẫn đất bên trong, trông rất tội nghiệp", Minh nhớ lại.

Quán nước tại thủ đô Ethiopia, nơi người dân quây quần cùng nhau mỗi buổi sáng (Ảnh: Lê Minh)

Trên những con đường đất đỏ nứt nẻ, Minh đã bắt gặp không ít trẻ em thuộc các bộ lạc cổ, chúng gầy rộc, bụng to do thiếu muối i-ốt. Khi được cho mẩu bánh, viên kẹo, các em không khỏi vui mừng và nhảy múa.

"Chúng tôi thử cho các em ăn mì gói từ Việt Nam. Cả làng đã quây quần lại để xem món ăn kì lạ này. Ban đầu, họ không dám ăn vì sợ... có độc. Tôi đã thử ăn mẫu, mùi thơm tỏa ra từ gói mì đã khiến họ thích thú, nếm thử rồi ăn ngấu nghiến", Minh nhớ lại.

Thực phẩm ở Ethiopia rất quý nên các thành viên trong nhóm bảo nhau, cố gắng không để thừa thức ăn. Thấy du khách nước ngoài, họ liền chạy đến xin và bày tỏ lòng biết ơn với thức ăn.

Tại các bộ lạc, món ăn dễ dàng tìm thấy nhất là vỏ đậu nành nấu thành súp. "Các khu chợ địa phương có bán thịt, cá nhưng không nhiều người mua. Họ chuộng các món ăn chay, bánh và rau củ", Minh chia sẻ.

Người dân Ethiopia tại thung lũng Omo (Ảnh: Lê Minh).

Tuy nhiên, các bộ lạc này vẫn giữ truyền thống văn hóa của mình. Người Karo đi cà kheo, trẻ con được bôi lớp phấn vẽ lên cơ thể, người Hammer bện tóc bằng đất sét, sữa và máu bò, họ cũng duy trì lễ hội nhảy bò để đánh dấu sự trưởng thành.

Có ngày nắng đến 40 độ C, bỏng rát thịt da, những đứa trẻ vẫn nằm ngủ ở nền đất để quên cơn đói. Mỗi khi có xe của khách du lịch ngang qua, các em lại ngước nhìn theo. Đối với họ, một viên đường, một que kẹo hay mẩu bánh nhỏ đều rất quý.

"Họ đã dạy chúng tôi bài học về trân trọng thức ăn, nước uống và những gì mình đang có", Minh nói.

Diệp Bình (Báo Dân Trí)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/khach-viet-ke-nhung-dieu-sung-sot-kho-tin-khi-du-lich-ethiopia-c14a58232.html