Khác lạ giá vàng

Diễn biến gần đây của giá vàng, đặc biệt là giá vàng miếng SJC có khá nhiều điểm lạ. Cũng bởi vậy, nhiều đại biểu tham dự phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã đặc biệt quan tâm tới sự biến thiên của giá vàng.

Có thể khái quát diễn biến lạ của giá vàng bằng 5 điểm chính.

Trước hết, sau khi vượt mức “đỉnh” 74,5 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020, giá vàng đã tăng khá nhanh, chỉ sau hơn 3 năm đã vượt mốc trên 90 triệu đồng/lượng. Song mốc trên 90 triệu đồng/lượng này chưa hẳn đã là “đỉnh” mới nhất, có nghĩa giá vàng còn có thể lập đỉnh mới.

Tiếp đến, đà tăng giá vàng diễn ra trong bối cảnh cơ quan quản lý nhà nước đã có giải pháp điều hành. Đây là diễn biến lạ, nếu không muốn nói là có tính bất ngờ so với các chu kỳ tăng giá trước đây của mặt hàng vàng.

Sau nữa, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không những không giảm, mà còn tăng lên (16-18 triệu đồng/lượng hiện tại so với mức trên 14 triệu đồng trước đó). Chênh lệch giữa giá bán - mua cũng tăng 0,5 - 1 triệu đồng/lượng trước đây, lên trên dưới 2 triệu đồng/lượng hiện nay. Điều này chứng tỏ, các cơ sở kinh doanh vàng tăng mức độ “phòng thủ”, đẩy rủi ro sang cho người mua.

Điểm đáng chú ý nữa là, nếu trước đây, khi giá vàng tăng cao, nhiều người bán ra nhiều để “chốt lời”, thì lần này, trong bối cảnh giá vàng leo thang, số nhà đầu tư mua vào lại tăng cao.

Điểm khác lạ cuối cùng là, trước đây, mức chênh lệch cao giữa vàng trong nước so với vàng thế giới chủ yếu diễn ra với sản phẩm vàng miếng SJC, còn nay, điều này diễn ra với cả vàng nữ trang.

Sở dĩ có hiện tượng trên là do tác động của nhiều yếu tố.

Thứ nhất, giá vàng tăng mạnh lần này có thể do đây là chu kỳ tăng giá thứ 5 sau 4 chu kỳ trước (diễn ra vào các năm 1991, 2001, 2011, 2020). Sau khi vượt đỉnh 74,5 triệu đồng/lượng vào năm 2020, giá vàng bước vào nửa đầu chu kỳ mới gần 3 năm và tốc độ tăng nhanh hơn các chu kỳ trước. Điều đó cho thấy, nhiều khả năng mức giá 92,4 triệu đồng/lượng chưa phải là đỉnh chính thức của chu kỳ này.

Thứ hai, thị trường vàng tại Việt Nam trong trạng thái “một mình một chợ” khi vàng miếng SJC gần như độc quyền, mặc dù vàng là kim loại đặc biệt, được coi là loại tiền tệ toàn cầu.

Thứ ba, nguồn cung vàng bị thiếu và càng đấu thầu thì giá càng tăng.

Thứ tư, lãi suất tiết kiệm giảm trong nhiều tháng qua nên không còn hấp dẫn, người dân ít gửi hoặc không gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí rút tiết kiệm để mua vàng.

Thứ năm, giữa vàng và USD trên thế giới và ở Việt Nam có mối quan hệ khá đặc biệt. Trên thế giới, nếu giá USD tăng, thì giá vàng tính bằng USD sẽ giảm và ngược lại. Còn tại Việt Nam, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chủ yếu do chưa có sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới, tức hầu như không có xuất nhập khẩu vàng.

Giá vàng sẽ còn tăng giảm thất thường, thậm chí có dự báo cho rằng, giá vàng trong nước có thể cán mốc 95 triệu đồng/lượng ngay trong năm 2024. Giá mặt hàng này chỉ đứng yên hoặc giảm trong trường hợp người mua vàng miếng cấp tập bán ra để chốt lời, chuyển sang mua vàng trang sức, gửi tiết kiệm khi lãi suất tăng hoặc Nhà nước tăng nhập khẩu vàng.

Trong bối cảnh đó, giải pháp chính yếu nhằm kiểm soát giá vàng, tránh để mặt hàng này tăng phi mã là giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới và thực thi một số giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Cùng với các biện pháp kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, trước mắt có thể tăng nhập khẩu vàng để tăng cung, mở rộng đối tượng doanh nghiệp được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Các ngân hàng thương mại căn cứ tình hình thực tế để tăng lãi suất huy động, hút tiền về, tăng cường kiểm soát biến động tỷ giá VND/USD… Những biện pháp trên vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa giúp cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Ngọc Lâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khac-la-gia-vang-d215696.html