'Kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ: Hợp tác kinh doanh'
Chương trình do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhân chuyến thăm và làm việc của 17 công ty thành viên thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp PHD.
Ngày 23/5, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi “Họp kết nối Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác Kinh doanh” tại Khách sạn Sheraton, Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp chuyến thăm và làm việc của 17 công ty thành viên thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, New Delhi từ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, thiết bị điện, sản xuất chế biến nông thủy sản, dịch vụ công nghệ, năng lượng tái tạo… tới Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 22-24/5.
Buổi họp kết nối được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp Ấn Độ được giao lưu, trao đổi, tìm hiểu và học hỏi về thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự trực tiếp sự kiện để kết nối và trao đổi với các doanh nghiệp từ Ấn Độ.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự sự kiện và chia sẻ: “Ấn Độ hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, những lĩnh vực trọng điểm phải kể đến nông thủy sản, dược phẩm... Lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2022 là hơn 110.000 người”. Ông cũng chia sẻ mong muốn sẽ là cầu nối cho nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực không chỉ riêng thương mại mà còn là đầu tư, y tế, du lịch...
Sự kiện chào đón sự có mặt của bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh và bà Đoàn Thị Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư của hai tỉnh Long An và Đồng Nai. Họ trình bày tổng quát và giới thiệu về tỉnh và các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại hai tỉnh.
Ông Ranjeet Mehta, Phó Tổng Thư ký, Phòng Thương mại Công nghiệp PHD đề cập mục tiêu của phái đoàn về việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, dệt may, giáo dục, thủy sản, chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng đường sắt, y tế.
Bà Shwetima Negi, Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Invest India cũng tham dự online buổi kết nối để trao đổi về thị trường Ấn Độ và các cơ hội trong các lĩnh vực chính như công nghệ thông tin, sản xuất và chế biến nông thủy sản, hậu cần, cơ sở hạ tầng… đang kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Mạng lưới Doanh nhân Quốc tế Việt Nam (VIENC) tham gia buổi gặp gỡ để chia sẻ về thị trường Việt Nam và những lợi thế của Việt Nam để thu hút FDI bao gồm tăng trưởng GDP ổn định, phát triển cơ sở hạ tầng, vị trí chiến lược...
Phần phát biểu được tiếp nối bởi phần kết nối doanh nghiệp B2B giữa các doanh nghiệp Ấn Độ với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực trên.
Buổi chiều cùng ngày, phái đoàn Phòng thương mại PHD có chuyến tham quan VSIP 1 và IOC (Trung tâm kiếm soát thông minh) ở tỉnh Bình Dương, sa u đó đã tham dự “Hội nghị giao thương Xúc tiến đầu tư và thương mại thị trường Ấn Độ năm 2023” được Sở Công thương tỉnh Bình Dương chủ trì tổ chức. Có hơn 30 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương tham dự để tiếp xúc và trao đổi với phái đoàn doanh nghiệp PHD.
Ấn Độ là đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Theo thống kê của Việt Nam, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 15,05 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh có 206 dự án của Ấn Độ với tổng vốn đầu tư hơn 98 triệu USD, đưa Ấn Độ đứng thứ 25 trên 117 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-noi-doanh-nghiep-viet-nam-an-do-hop-tac-kinh-doanh-228214.html