John Lewis, 'Chủ nhật Đẫm máu' và cuộc đời của một huyền thoại Mỹ

John Lewis, nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng của Mỹ, vừa qua đời ở tuổi 80. Phong trào biểu tình đòi quyền bỏ phiếu cho người da đen năm 1965 ghi dấu đậm nét sự dẫn dắt của ông.

John Lewis nhìn thấy quân đội tiểu bang Alabama ở phía trước, trong khi ông đang dẫn đầu hàng trăm người biểu tình đến cầu Edmund Pettus ở Selma (thành phố thuộc Alabama) vào ngày "Chủ nhật Đẫm máu" 7/3/1965. Nhưng ông vẫn tiến lên phía trước. Người đàn ông khi đó mới 25 tuổi này là người dẫn đầu phong trào biểu tình đòi quyền biểu quyết thời điểm đó. Hôm 17/7, ông qua đời ở tuổi 80 sau 6 tháng chiến đấu với bệnh ung thư tụy. Trong ảnh, John Lewis (áo khoác dài nhạt màu bên phải) cùng với người biểu tình đối mặt quân đội ở Selma. Ảnh: AP.

John Lewis (quỳ dưới đất bên phải) bị một sĩ quan khống chế trong cuộc biểu tình. Các đoạn phim và hình ảnh tư liệu cho thấy cảnh sát đeo mặt nạ phòng độc tiếp cận nhóm người biểu tình. Sau đó cảnh hỗn loạn xảy ra và nhiều người ngã xuống mặt đường, bãi cỏ. Nhiều tiếng hét vang lên. Ảnh: AP.

John Lewis (ở giữa) bị khống chế xuống nền đất trong khi quân đội tiểu bang cố gắng giải tán người biểu tình ngày 7/3/1965. Trong lời khai tại tòa án sau đó, John Lewis cho biết ông bị một sĩ quan hạ gục hai lần trong khi ông cố gắng đứng dậy. Ông không xác định được nhân dạng người đàn ông do khi đó sĩ quan này đang đeo mặt nạ phòng độc. Ảnh: AP.

Wilson Baker (đội mũ hàng đầu bên trái), lãnh đạo lực lượng an ninh công cộng, cảnh báo mối nguy hiểm từ biểu tình vào ban đêm ở Selma. John Lewis (thứ hai từ phải qua) cũng có mặt tại đây. Ảnh: AP.

John Lewis là một trong những đại diện tiêu biểu của phong trào dân quyền thời kỳ đó. Trong ảnh, 6 nhà lãnh đạo của các tổ chức dân quyền cho người da đen lớn nhất nước Mỹ đã quy tụ tại khách sạn Roosevelt ở New York hôm 2/7/1963. John Lewis (ngoài cùng bên trái) là Chủ tịch Ủy ban Điều phối Phi bạo lực của sinh viên. Ảnh: AP.

Vào tháng 3/1965, làn sóng biểu tình bùng nổ từ Selma đến Montgomery để phản đối việc một binh sĩ đã giết chết một người biểu tình. Phong trào cũng nhằm đòi quyền bỏ phiếu bình đẳng của người da đen vốn bị hạn chế. Ảnh: AP.

Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội vào ngày "Chủ nhật Đẫm máu" đó đã khiến nhiều người khác ngoài Lewis bị thương nghiêm trọng. Amelia Boynton Robinson, người ở trong hàng ngũ phía sau Lewis, bị đánh đến bất tỉnh. Những người khác bị cảnh sát cưỡi ngựa đánh bằng gậy. Ảnh: AP.

Amelia Boynton được hai người đàn ông giúp đỡ sau khi bà bị cảnh sát bang đánh đập trong cuộc biểu tình ở Selma ngày 7/3/1965. Bà Boynton, vợ của một nhân viên bảo hiểm và bất động sản, cũng là nhà lãnh đạo phong trào dân quyền. Ảnh: AP.

Cảnh sát vây bắt một người biểu tình trong làn khói hơi cay hôm 7/3/1965. Ông Lewis khai rằng ông không bị bất tỉnh, nhưng cũng không nhớ làm cách nào ông đến được nhà thờ và sau đó được đưa đi bệnh viện. Ảnh: AP.

Bất chấp bị khống chế, người tiểu tình tiếp tục đổ về Montgomery. Phong trào này cuối cùng đã buộc Tổng thống Lyndon Baines Johnson ký thông qua Đạo luật về Quyền Bỏ phiếu vào cùng năm. Ảnh: AP.

Năm 1987, John Lewis được bầu làm Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện cho Quận 5 của bang Georgia, Mỹ. Ông phục vụ liên tiếp 17 nhiệm kỳ ở Hạ viện Mỹ cho tới khi qua đời ngày 17/7. Hạ nghị sĩ Lewis giành được sự tôn trọng từ cả hai đảng ở Washington. Một số người ở đồi Capitol gọi ông là "lương tâm của Quốc hội". Ảnh: Getty.

Năm 2011, ông được tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do cho những đóng góp của ông vì dân quyền. Đây là một trong hai huân chương cao quý nhất của nước Mỹ do tổng thống trao tặng. Ảnh: AP.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/john-lewis-chu-nhat-dam-mau-va-cuoc-doi-cua-mot-huyen-thoai-my-post1108440.html