Israel gia nhập NATO Ả rập

Rất có khả năng Israel tham gia khối 'NATO Ả rập', bắt tay với các địch thủ Hồi giáo Sunni trong vùng Vịnh, để chống lại Hồi giáo dòng Shiite Iran.

Tel Aviv dường như đang tìm cách hợp tác với các nước Ả Rập Sunni ở Trung Đông để chống Iran. Vào ngày 1 tháng 8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã để ngỏ khả năng Israel có thể tham gia vào một liên minh chống Iran của các nước Ả rập vùng Vịnh, trong trường hợp Tehran chặn eo biển Bab al-Mandab, lối vào phía nam của Biển Đỏ.

"Nếu Iran cố gắng ngăn chặn Bab al-Mandab, tôi tin rằng họ sẽ phải đối mặt với một liên minh quốc tế được thành lập để ngăn chặn điều này. Liên minh này cũng sẽ bao gồm nhà nước Israel và tất cả các công cụ của đất nước", Thủ tướng Israel tuyên bố.

Các nhà phân tích Nga và Israel đã đưa ra các quan điểm của họ về khả năng Israel được tiếp nhận vào khối "NATO Ả Rập".

Sputnik đã phỏng vấn ông Boris Dolgov, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo Nga và ông Simon Tsipis, một nhà phân tích an ninh tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), để tìm hiểu về tính khả thi của việc thành lập liên minh Israel-Arab.

Chuyên gia Nga: Liên minh Israel-Ả Rập chỉ có trong tưởng tượng

Chuyên gia Nga Boris Dolgov có quan điểm không mấy lạc quan về Liên minh Israel-Ả Rập. Theo ông, tuyên bố của Netanyahu không là gì ngoài một động thái nhằm mục đích tuyên truyền, liên minh Ả Rập do Saudi Arabia lãnh đạo sẽ không bao giờ đưa Israel vào “NATO Ả rập”.

Israel (Do Thái giáo) có thể tham gia khối ‘NATO Ả rập’ (Hồi giáo Sunni) để chống Iran (Hồi giáo Shiite) hay không?

Israel và Iran đã không duy trì quan hệ ngoại giao kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Liên tiếp trong những thập kỷ qua, căng thẳng giữa hai quốc gia đã leo thang đáng kể, liên quan đến những cáo buộc của Tel Avip về việc Tehran đã hỗ trợ các nhóm dân quân Palestine Hamas hay lực lượng người Shiite ở Lebanon là Hezbollah, để chống lại Israel cả trong lẫn ngoài lãnh thổ.

Ngoài ra, sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria cũng là nguyên nhân lớn khiến quan hệ giữa hai bên thêm căng thẳng trong vài năm gần đây.

Về phần mình, Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với IRI sau “cuộc tấn công khủng bố” vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran vào tháng 1/2016. Thêm nữa, quan hệ giữa Tehran và Riyadh trong lịch sử chưa bao giờ chấm dứt những căng thẳng về các vấn đề địa chính trị và tôn giáo.

Mặc dù Tel Aviv và Riyadh không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng giới lãnh đạo Saudi Arabia gần đây đã có những động thái xoa dịu đối với Israel, Thái tử Mohammad bin Salman mới đây đã thừa nhận “quyền của người Do Thái về đất đai lãnh thổ riêng”.

Bình luận về việc Israel có thể tham gia vào khối “NATO Ả rập” hay không, Nhà nghiên cứu Nga cho biết, quả thực là có một cuộc đối đầu giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni trong khu vực Trung Đông. Người Sunni được dẫn đầu bởi Saudi Arabia, và người Shiite được lãnh đạo bởi Iran.

Sự thù địch giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni là cơ hội để Israel bắt tay Saudi Arabia để chống Iran?

Iran còn vấp phải sự thù địch của Israel, nước luôn coi Tehran là kẻ thù của họ. Chừng nào các thủ lĩnh tối cao người Shiite còn nắm quyền lực tối thượng ở Tehran, Israel sẽ vẫn xem Iran là đối thủ lớn nhất của mình.

Tuy nhiên, sự cộng hưởng lợi ích ở đây là không đủ lớn để hình thành một liên minh giữa Israel và các nước Hồi giáo Sunni, dẫn đầu bởi Saudi Arabia.

Trong con mắt của thế giới Hồi giáo, sự kết hợp giữa Hồi giáo với Do Thái giáo là điều còn tiêu cực hơn so với sự hòa đồng giữa Sunni và Shiite. Do đó, Liên minh giữa Israel và NATO Ả rập là điều không thực tế. Thế giới Hồi giáo sẽ không chấp nhận một liên minh đối với giáo phái thù địch với mình.

Tuy nhiên, Dolgov cũng không loại trừ rằng, “khao khát cháy bỏng” về việc hạ gục địch thủ của mình sẽ khiến chính quyền Tel Avip có nhiều nhượng bộ đối một "NATO Ả Rập" tiềm năng.

Vị học giả phân tích, ngay cả trong trường hợp các nước Ả rập đồng ý cho Israel gia nhập vào một liên minh tiềm năng, thì họ cũng sẽ yêu cầu Tel Aviv phải giải quyết triệt để vấn đề Palestine - một điều kiện mà Israel khó có thể chấp nhận được.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/israel-gia-nhap-nato-a-rap-3363958/