Israel bắt đầu cảnh giác với 'sự quan tâm' của Trung Quốc

Hội đồng an ninh Quốc gia (NSC) Israel đang chuẩn bị trình nội các khuyến cáo về các khoản đầu tư nước ngoài tại Israel. Mặc dù các xem xét báo cáo chính sách đều chủ yếu xoay quanh yếu tố Trung Quốc, nhưng dường như các thành viên chính phủ đều rất dè dặt đề cập tới những nội dung này.

Các khoản đầu tư "khó cưỡng"

Trong nhiều thập kỷ, chính sách được giới chính trị gia Israel hoan nghênh là khuyến khích đầu tư, tư hữu hóa các tài sản và dịch vụ công, mở rộng các thị trường quốc tế cho hàng hóa Israel. Do đó, ngay lập tức, chính sách này rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh.

Một cuộc thăm dò được cơ quan tình báo Israel tiến hành cho thấy, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Trung Đông đã tăng 1,7% trong giai đoạn 2012 - 2017. Tính tổng cộng Trung Quốc đã đầu tư khoảng 700 tỷ USD vào khu vực và gần một nửa trong số đó là rót vào ngành năng lượng, 150 tỷ USD dành cho các dự án nghiên cứu - phát triển, 113 tỷ USD cho công nghiệp, 103 tỷ USD cho giao thông vận tải, 68 tỷ USD dành cho lĩnh vực quân sự, 4 tỷ USD cho vay và chỉ có 155 triệu USD là cho viện trợ nhân đạo.

Tàu Trung Quốc cập cảng của Israel. (Nguồn: AP)

Từ 1992 - 2017, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - srael đã tăng từ 50 triệu USD lên 13,1 tỷ USD, đưa nền kinh tế này trở thành đối tác thương mại châu Á lớn thứ hai của Israel và đối tác lớn thứ ba trên quy mô quốc tế sau Liên minh châu Âu và Mỹ. Nửa đầu năm 2018, nhập khẩu từ Israel vào Trung Quốc đạt 2,77 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.

15 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tới Israel và giành được nhiều gói thầu xây dựng. Trung Quốc cũng tỏ rõ ý định muốn mua chuyển nhượng các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, thuê các đồn điền nông nghiệp và nhiều tham vọng khác. Các công ty xây dựng Trung Quốc hiện đang mở rộng hoạt động tại 2 cảng biển lớn của Israel là Haifa và Ashdod, nơi diễn ra phần lớn các hoạt động thương mại của quốc gia này.

Điều đáng lo ngại hơn là các doanh nghiệp Trung Quốc đã được chính quyền cho phép vận hành các cảng biển mới trong 25 năm. Cả Haifa và Ashod đều là nơi có căn cứ hải quân, với các hạ tầng kiên cố phục vụ hạm đội tàu ngầm.

“Bản tin cảnh giác”

Israel được xem là một đầu tàu thế giới trong lĩnh vực chiến tranh an ninh mạng. Mặc dù đảm bảo được an ninh mạng trong lĩnh vực quốc phòng nhưng Israel tại tỏ ra khá dễ dàng đối với khu vực dân sự, nhất là những doanh nghiệp sản xuất công nghệ phục vụ mục đích hòa bình và quân sự. Trong nhiều năm, chính phủ Israel vẫn khích lệ các doanh nhân người Trung Quốc đầu tư và mua sắm các tài sản của Israel.

Chỉ tới gần đây, giới an ninh Israel mới tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc rót vốn ngày càng nhiều vào các công ty công nghệ Israel với sản phẩm được sử dụng cho cả mục đích thương mại như trí tuệ nhân tạo (AI). Israel e rằng, Trung Quốc có thể sử dụng các công ty Israel như một công cụ để phát hiện những bí mật của Mỹ, cũng như nguy cơ Bắc Kinh sẽ chuyển giao các bí quyết công nghệ của Israel cho Iran - một đồng minh của Trung Quốc và là địch thủ của Israel.

Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào Israel. (Nguồn: AP)

Trong suốt nhiều năm, cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Vận tải - Tình báo Yisrael Katz, hiện đang là quyền Ngoại trưởng, đã khích lệ Trung Quốc tiếp cận thị trường Israel và hoan nghênh các thành tựu mà quốc gia này có được. Chỉ một vài quan chức cảnh báo Thủ tướng Netanyahu về vấn đề này, trong đó có lãnh đạo Shin Bet Nadav Argaman và Efraim Halevy - cựu Giám đốc cơ quan tình báo Mossad.

Sự thờ ơ của giới chức Israel chỉ thay đổi khi có áp lực từ bên ngoài. Chính quyền Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ chính và đã tập trung hơn vào các vấn đề có liên quan tại Trung Đông, châu Á, Thái Bình Dương cũng như Bán đảo Triều Tiên. Một trong những lo ngại chính của Mỹ là sự can dự của Trung Quốc tại cảng Haifa, nơi thường xuyên đón tiếp các tàu chiến trong Hạm đội thứ Sáu của Mỹ, kể cả các tàu sân bay. Chính quyền Mỹ đã yêu cầu Israel hạn chế quan hệ với Trung Quốc.

Báo cáo sắp tới của NSC nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề tương lai và tìm kiếm giải pháp để vừa thỏa mãn Washington, vừa tránh đối đầu với Bắc Kinh, chẳng hạn như đưa ra một loạt đề xuất của nội các và giải quyết các nhu cầu kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng cho các hạ tầng và lợi ích trong các lĩnh vực như nước, đất đai, năng lượng, lương thực, thông tin liên lạc và tài chính. Một điều rõ ràng là, nếu báo cáo trên dẫn tới việc hình thành các quy định hay luật lệ mới, nó chắc chắn sẽ được viết với một ngôn ngữ thận trọng tránh nhằm vào một quốc gia cụ thể.

Thu Hiền

(theo Business Insider)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/israel-bat-dau-canh-giac-voi-su-quan-tam-cua-trung-quoc-91035.html