Iran 'dội gáo nước lạnh' vào vũ khí Nga bất chấp được dỡ bỏ cấm vận

Mặc dù trước đó xuất hiện khá nhiều dự đoán Iran sẽ mua lượng lớn vũ khí Nga ngay sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, nhưng điều này thực tế vẫn chưa đến.

Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran vào năm 2010, nhằm ngăn không cho Tehran xuất nhập khẩu vũ khí trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này ngày một leo thang.

Năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận JCPOA với Nhóm P5+1. Điều khoản khi rõ Tehran sẽ thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả lệnh cấm vận vũ khí vào thời gian 5 năm sau khi JCPOA được thông qua.

Vào năm 2018, Mỹ rút khỏi JCPOA và đơn phương áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đầu năm 2020, Washington tiếp tục vận động gia hạn lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, bao gồm cả vũ khí, nhưng đề xuất của họ đã bị bác bỏ.

Và mới đây nhất vào ngày 18/10, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran chính thức hết hiệu lực, mở đường cho Cộng hòa Hồi giáo nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình khi những mối đe dọa ngày càng gia tăng.

Ngoại trưởng Iran - ông Mohammad Javad Zarif xem đây là một ngày trọng đại và cho rằng việc Tehran có thể hợp tác quốc phòng trở lại với các quốc gia là chiến thắng của cơ chế đa phương, hòa bình và an ninh.

Trước đó, giới truyền thông dự đoán Iran có thể đặt mua từ Nga ít nhất 4 trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf, khoảng 30 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4+ Su-30SM và lên tới 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS.

Tuy vậy báo chí Nga cho biết, mặc dù thực tế là kể từ hôm 18-10-2020, Iran đã có thể chính thức mua vũ khí nước ngoài, nhưng Tehran vẫn kiên quyết từ chối đặt hàng sản phẩm quân sự có nguồn gốc Nga.

Nguyên nhân được Iran đưa ra đó là họ có đủ vũ khí và thiết bị quân sự, do vậy không quá quan tâm đến phương tiện tác chiến của nước ngoài, chưa kể đến việc nền kinh tế đang gặp khó khăn, chưa cho phép chi một khoản tiền lớn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran - ông Said Hatibzade chỉ ra rằng nước mình sản xuất độc lập tới 90% các loại vũ khí, cho phép đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu quốc phòng và không phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, hãng thông tấn Nga RIA Novosti trích dẫn.

Nhưng đáng ngạc nhiên ở chỗ, hiện tại rõ ràng là Tehran không thể hiện nhiều sự quan tâm đến vũ khí của Nga, tuy nhiên họ lại đang xúc tiến tìm mua trang thiết bị quốc phòng từ một nguồn khác.

Điều này có thể liên quan tới một số thỏa thuận giữa Iran và Trung Quốc, bởi vì trước đó giới truyền thông đã đưa tin rằng Cộng hòa Hồi giáo dự kiến mua máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Bắc Kinh, vốn có giá thành rẻ hơn.

Hợp tác quốc phòng giữa Iran và Trung Quốc thực tế còn được đánh giá là khăng khít hơn cả Nga, do vậy sẽ không bất ngờ nếu như Tehran lựa chọn vũ khí do Bắc Kinh sản xuất.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định Iran còn đang lo ngại giữa Nga và Israel có những thỏa thuận riêng, giúp Tel Aviv nắm được thông số vũ khí xuất khẩu của Moskva, bởi vậy sự thận trọng của Tehran là dễ hiểu.

Tehran chắc chắn chưa quên vụ việc tiêm kích F-35I Adir của Issrael dễ dàng thực hiện chuyến bay trinh sát trên đầu các cơ sở hạt nhân của mình hồi năm 2018 trước sự bất lực của hệ thống phòng không S-300PMU-2.

Sau sự việc trên, tư lệnh phòng không Iran đã bị cách chức kèm lời cáo buộc Nga tiết lộ mã nguồn của S-300PMU-2 cho Israel nhằm đổi lấy công nghệ máy bay không người lái tiên tiến. Do vậy hợp tác với Trung Quốc chí ít cũng giúp Tehran tạm tránh nguy cơ trên.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-iran-doi-gao-nuoc-lanh-vao-vu-khi-nga-bat-chap-duoc-do-bo-cam-van-post447570.antd