Ðiểm tựa của kinh tế Mỹ
Ðại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Mỹ đối mặt những khó khăn chưa từng có. Phần lớn các nhà phân tích dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới suy giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, Tạp chí Economist của Anh vừa nhận định, có ba 'điểm tựa' giúp nền kinh tế Mỹ cải thiện nhanh hơn so với dự báo ban đầu.
Ðại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Mỹ đối mặt những khó khăn chưa từng có. Phần lớn các nhà phân tích dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới suy giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, Tạp chí Economist của Anh vừa nhận định, có ba "điểm tựa" giúp nền kinh tế Mỹ cải thiện nhanh hơn so với dự báo ban đầu.
Trong nửa đầu năm nay, đại dịch Covid-19 đã tàn phá nghiêm trọng kinh tế Mỹ, khiến hàng chục triệu người lao động mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 31,7% trong quý II - 2020 khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Phần đông giới phân tích đều nhận định bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ và cho rằng, tình hình kinh tế của "xứ cờ hoa" đen tối hơn, nếu so sánh với châu Âu. Tuy nhiên, các dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế số một thế giới đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ giảm 3,8% trong năm nay, so với mức dự báo giảm 7,3% được đưa ra vào tháng 6. Bộ trưởng Tài chính Mỹ X.Mnu-chin nói ông tin tưởng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong quý III nhờ sức tăng trong doanh số bán lẻ, nhà đất và sản xuất cũng như hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, Tạp chí Economist của Anh cũng đưa ra dự báo cho thấy dường như "gió đã đảo chiều" về triển vọng kinh tế Mỹ. Theo đó, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với suy thoái kinh tế, nhưng tình hình vẫn tốt hơn nhiều so với nhiều nước châu Âu. Theo tạp chí này, có ba lý do giúp nền kinh tế Mỹ cải thiện nhanh hơn so với dự báo ban đầu. Một là, sự lây lan dịch Covid-19 tại "các bang vành đai Mặt trời" ở phía nam đã chậm lại. Ðây là yếu tố quan trọng giúp gia tăng các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và góp thêm động lực tăng trưởng.
Hai là, các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ, lớn nhất thế giới cả về giá trị tuyệt đối và theo tỷ trọng GDP, đã bắt đầu phát huy hiệu lực. Thời gian qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tung ra hàng nghìn tỷ USD và giảm lãi suất cơ bản xuống gần mức 0% để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch xảy ra. Nhờ các chương trình kích cầu một lần và thanh toán bảo hiểm thất nghiệp, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Mỹ đã tăng lên khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Thống kê cho thấy, vào thời điểm đầu tháng 9, những người nhận trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn chi tiêu nhiều hơn mức họ chi tiêu trước khi đại dịch xảy ra. Như vậy, động lực tiêu dùng của nền kinh tế không bị suy giảm mạnh. Ba là, kinh tế Mỹ là thị trường lao động linh hoạt. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn vừa qua, vẫn có nhiều việc làm mới được tạo ra. Thống kê cho thấy, khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực thi, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 đã tăng vọt lên 14,7%. Trong tháng 6, ít nhất 14 trong số 17 thành viên Ủy ban thị trường mở - cơ quan hoạch định chính sách lãi suất thuộc FED - dự báo rằng tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm nay sẽ vẫn hơn 9%. Tuy nhiên, điều thần kỳ đã xảy ra khi, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm nhanh xuống còn 8,4% vào tháng 8. Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong những tháng gần đây dường như cho thấy có nhiều công việc mới được tạo ra nhờ sự linh hoạt của thị trường và sự năng động của nền kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, Chính phủ Mỹ chủ yếu bảo vệ thu nhập của người dân bằng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, việc phân bổ lại lao động từ các ngành đang chết dần sang các ngành đang phát triển diễn ra nhanh chóng. Chẳng hạn, thống kê cho thấy, số lượng nhân viên du lịch đã giảm 10% kể từ tháng 4 năm nay, nhưng bù lại, số việc làm tại các cửa hàng kinh doanh tổng hợp tăng 6% so với trước đại dịch.
Tuy nhiên, dù đã có tín hiệu khả quan, con đường phía trước của kinh tế Mỹ vẫn còn không ít chông gai. Hiện tại, một số lĩnh vực đặc biệt gặp khó khăn do chịu tác động xấu của đại dịch, như ngành du lịch và nhà hàng, cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát các làn sóng Covid-19 mới vẫn luôn "lơ lửng trên đầu" người dân và kinh tế Mỹ. Trong bài phát biểu trước thềm phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ cuối tuần qua, người đứng đầu FED G.Pô-oen nhấn mạnh, kinh tế Mỹ sẽ chỉ phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19, khi người dân "cảm thấy đủ an toàn để nối lại các hoạt động bình thường của họ".
Thời gian tới, chống dịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn luôn là hai nhiệm vụ thường trực, song hành của nước Mỹ cũng như mọi quốc gia trên thế giới. Nếu chủ quan, lơ là, làn sóng dịch bệnh mới có thể nhanh chóng trở lại và nhấn chìm mọi hy vọng tăng trưởng kinh tế đang được nhen nhóm hiện nay.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/iem-tua-cua-kinh-te-my-618477/