Huyện Đan Phượng tập trung phát triển theo hướng đô thị

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện trong thời gian tới là phát triển theo hướng đô thị xanh, văn hiến, văn minh.

Ngày 30/11, Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội đã có chuyến đi thực tế tại huyện Đan Phượng. Tham gia Đoàn có lãnh đạo Hội Nhà báo TP, Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng hơn 20 phóng viên, biên tập viên của 14 cơ quan báo chí Hà Nội, báo Trung ương, ngành trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội.

Đây là hoạt động được Hội Nhà báo TP Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên các cơ quan báo chí có điều kiện đi thực tế tìm hiểu thông tin để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt… tại các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với Đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như kế quả triển khai các chương trình công tác trọng tâm của Huyện ủy Đan Phượng.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cùng lãnh đạo huyện chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội tại đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ.

Theo đó, về xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng là địa phương dẫn đầu toàn TP với 12/15 xã đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, 3 xã còn lại là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An cũng đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND huyện đã có kết quả thẩm tra, chấm điểm. Theo đó xã Thọ An đạt 95,5 điểm; xã Hạ Mỗ đạt 97,05 điểm; xã Liên Hồng đạt 96,8 điểm. Huyện đã yêu cầu các xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình huyện báo cáo TP xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng cùng Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Đan Phượng.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến. Theo ông Trần Đức Hải, khi phát triển theo hướng đô thị, cần vận hành quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi tư duy, tác phong, sinh hoạt, lối sống cũng phải thay đổi.

Điều này đặt ra cho địa phương bài toán đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó có công tác giáo dục và đào tạo. Toàn huyện Đan Phượng có 55 trường học, 100% trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó trên 70% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nằm trong tốp đầu TP.

Các phóng viên tác nghiệp tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.

“Trong các yếu tố, tài nguyên để phát triển Đan Phượng theo hướng đô thị, tài nguyên con người là quan trọng nhất. TP Hà Nội đang hướng tới xây dựng những công dân toàn cầu và để đạt được mục tiêu này, phải vượt qua rào cản về ngoại ngữ. Đây cũng là trọng tâm trong phát triển giáo dục của huyện Đan Phượng” – ông Trần Đức Hải cho biết.

Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, định hướng phát triển đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài của huyện. Đan Phượng có đặc thù nằm trong không gian văn hóa xứ Đoài, ôm lấy hai con sông Hồng, sông Đáy và ở giữa có dòng sông Nhuệ cổ.

Diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

Trên địa bàn huyện có 155 di tích, trong đó nhiều di tích chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc như không gian văn hóa miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, miếu Diều… Trong đó miếu Diều (miếu Châu Trần), xã Hồng Hà vừa được UBND TP xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp TP. Nơi đây có lễ hội diều sáo độc nhất vô nhị cả nước, được tổ chức vào 15/3 âm lịch hàng năm.

Ngoài ra, Đan Phượng còn có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như ca trù Thượng Mỗ, hát chèo tàu Tân Hội… Đây là những tài nguyên quý báu để huyện thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 17/2/2022 của Huyện ủy Đan Phượng về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng, giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn 2045.

Không gian dòng sông Nhuệ cổ trước miếu Hàm Rồng, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng lung linh trong khuôn khổ Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới huyện Đan Phượng đặt ra là khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực, hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo bước đột phá cho phát triển. Phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng văn hiến, văn minh, giàu đẹp, xanh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành các tiêu chí lên quận đến năm 2025.

Trong chương trình, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí TP Hà Nội, báo Trung ương, ngành đã đi thực tế tìm hiểu công tác xây dựng Đảng trên địa bàn xã Tân Hội; xây dựng nông thôn mới xã Song Phượng; mô hình sản xuất hoa lan công nghệ cao, sản xuất rau an toàn xã Đan Phượng…

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-dan-phuong-tap-trung-phat-trien-theo-huong-do-thi.html