Huy động sức dân trong xây dựng đê, kè

Nằm trên địa bàn có 2 con sông lớn chảy qua là Thạch Hãn và Vĩnh Định, hằng năm, dân cư các xã sống dọc 2 con sông này thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa lũ đến. Tình trạng sạt lở, xâm thực lấn sâu vào đất liền trên hai bờ của hai con sông này diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, những năm qua bằng nguồn vốn ngân sách của trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng, gia cố các tuyến đê kè ở các vị trí xung yếu và một số nơi đã ổn định bờ sông. Người dân đồng tình cao trong hiến đất, hiến cây để giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho thi công vì họ ý thức rất rõ những công trình kè bờ sông có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh.

Kè Long Giang bờ hữu, xã Triệu Giang đã được xây dựng kiên cố

Gia đình ông Cao Hữu Đóa ở thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong trước đây bị sông Thạch Hãn lấn sâu vào gần sát nhà, nhiều sào đất vườn bị mất theo dòng nước mỗi khi lũ về. Đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên khi được nhà nước đầu tư xây dựng kè Long Giang, ông Đóa cũng như những hộ dân ở đây tích cực hiến đất, tự giác chặt cây cối mà không cần đền bù để công trình kè được xây dựng nhanh chóng. Bằng nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ (hơn 27 tỉ đồng trong tổng vốn của dự án là hơn 73,6 tỉ đồng) và được sự hưởng ứng tích cực của người dân, kè Long Giang bờ hữu dài đã được thi công hoàn thiện hơn 1 km trong tổng số hơn 3,3 km. Ông Đóa cho biết: “Khi có chủ trương xây kè, người dân ai cũng hồ hởi chặt cây, hiến đất giải phóng nhanh mặt bằng để xây dựng công trình. Giờ kè xây xong đã đem đến niềm vui cho người dân trong vùng, cuộc sống đã được ổn định, không còn lo lắng về sạt lở đất nữa và chăm lo sản xuất phát triển kinh tế”.

Để tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc hiến đất, hiến cây, góp sức vào việc xây đê kè giữ đất, cả hệ thống chính trị ở cơ sở đã vào cuộc vận động người dân chung sức với nhà nước nên hầu hết các công trình đê, kè trên địa bàn huyện Triệu Phong khi được nhà nước bố trí vốn thì thi công nhanh chóng hoàn thành. Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Triệu Phong Trần Việt Dũng cho biết: “Để các công trình thi công được nhanh chóng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, Ủy ban Mặt trận huyện đã hướng dẫn Mặt trận các xã và thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, giải thích cho người dân hiểu rõ họ được hưởng quyền lợi thiết thực khi xây dựng các công trình đê, kè. Nhờ đó, người dân ở các tuyến đê, kè đi qua đều tự nguyện giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tích cực cho đơn vị thi công công trình được thuận lợi”.

Chỉ sau chưa đầy 1 tuần thực hiện giải phóng mặt bằng và 120 ngày thi công, công trình sửa chữa khắc phục khẩn cấp kè Triệu Thuận đoạn đi qua khu dân cư thôn Dương Đại Thuận đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 2,5 tỉ đồng, xây dựng 518 m kè đá lát khan. Đầu năm 2019, công trình được đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi vì kè được xây dựng vững chắc bảo vệ an toàn cho đời sống nhân dân trong mùa mưa bão. Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Sau khi có chủ trương xây dựng kè thôn Dương Đại Thuận, hệ thống chính trị ở xã Triệu Thuận đã vào cuộc vận động người dân, nói rõ ý nghĩa, tác dụng kè của công trình kè đối với cuộc sống của người dân về phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Người dân sau khi được giải thích rõ, hơn 40 hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, hiến công trình trị giá hơn 200 triệu đồng để giải phóng mặt bằng. Cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng và bàn giao cho đơn vị thi công đúng thời gian, tiến độ”.

Những năm qua, huyện Triệu Phong đã được ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 8 công trình đê, kè dọc 2 bên bờ các con sông với tổng kinh phí đã đầu tư hơn 71,4 tỉ đồng trong tổng số kinh phí được duyệt hơn 144 tỉ đồng để xây dựng hơn 8,2 km chiều dài đê, kè dọc các con sông. Giám đốc Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Triệu Phong Bùi Văn Trúc cho biết: “Người dân rất đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng đê, kè của nhà nước nên hết sức hợp tác trong công tác giải phóng mặt bằng, phần lớn công trình không phải mất tiền đền bù đất đai, cây cối nên tiết kiệm được chi phí đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công. Nhờ đó mà các công trình đều hoàn thành đúng và vượt tiến độ. Các công trình sau khi hoàn thành đã phát huy tác dụng trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra”.

Những công trình đê, kè đã được xây dựng trên địa bàn huyện Triệu Phong thực sự mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ đời sống và sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều công trình đầu tư dở dang trong nhiều năm như công trình kè Long Giang; kè chống xói lở khẩn cấp bờ sông bảo vệ các khu dân cư và công trình công cộng xã Triệu Thượng; kè chống xói lở bờ sông Thạch Hãn khu vực thôn Trung Yên, xã Triệu Độ… nên đời sống của dân sống ở khu vực ven sông chưa được hoàn thiện đê, kè vẫn bị đe dọa mỗi khi lũ về. Người dân sẵn sàng hiến đất, hiến cây để tự giải phóng mặt bằng trong xây đê, kè vẫn chờ đợi sự đầu tư xây dựng của nhà nước để cuộc sống được an toàn hơn trước thiên tai, bão lũ.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144358