Hướng tiếp cận mới trong đàm phán Mỹ - Triều Tiên

Ngày 30-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bước qua đường ranh giới lịch sử chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Triều Tiên. Mặc dù chưa đạt được nhiều tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên Tổng thống Donald Trump tuyên bố, chuyến thăm chưa từng có tiền lệ trước đây đã diễn ra thành công.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều TiênKim Jong-un trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự (DMZ), ngày 30-6. Ảnh: Getty

Sau chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đều dự đoán tương lai Mỹ và Triều Tiên sẽ có nhiều cuộc đàm phán tốt đẹp hơn. Phát biểu khi bước vào lãnh thổ Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump nói: “Bước qua ranh giới này là một vinh dự lớn. Đây là một khoảnh khắc đặc biệt”. Đáp lại phát biểu của Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng cho rằng, cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ của hai nhà lãnh đạo tại Khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên là một cột mốc ngoại giao đáng nhớ. Ông Kim Jong-un cho biết thêm, cuộc gặp sẽ tạo động lực tích cực cho các cuộc đàm phán của hai bên trong tương lai.

Tại cuộc gặp, hai bên chưa đạt được tiến bộ nào trong việc đàm phán về vũ khí hạt nhân – vấn đề dẫn đến sự cô lập của Triều Tiên trên toàn thế giới. Theo nhiều chuyên gia, cuộc gặp trên chỉ được gọi là “có tính lịch sử” khi cả Mỹ và Triều Tiên thống nhất về một vấn đề quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh trước đó giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam, hồi tháng 2-2019 đã không đạt được kết quả như nhiều người mong đợi. Hai bên không đạt được tuyên bố chung do Mỹ không nhất trí với yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận và chỉ dỡ bỏ khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Trong cuộc họp báo sau hội nghị, ông Donald Trump nói, “đôi khi người ta vẫn phải rời bỏ đàm phán”.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp lần này, chính quyền Donald Trump cho biết, kết quả tích cực đến từ cái bắt tay của ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa qua đó là việc hai nước có thể sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán cấp thấp hơn giữa Mỹ và Triều Tiên. Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các tiến bộ rõ rệt hơn trong quá trình phi hạt nhân hóa. Song, một số quan chức an ninh Mỹ cảnh báo, những cuộc gặp giữa Mỹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ làm dịu đi những sức ép cần thiết để Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng như không hoàn thành được những cam kết trước đó.

Một số nhà phân tích nhận định, đây là dịp để hai nhà lãnh đạo thể hiện cam kết ngoại giao với thế giới. Đối với Mỹ, cuộc gặp giúp Washington xóa bỏ quan điểm cho rằng Mỹ là trở ngại đối với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa và củng cố tuyên bố của ông Donald Trump trở thành nhà đàm phán vì lợi ích của nước Mỹ. Về phía Triều Tiên, cuộc gặp cũng đã giúp ông Kim Jong-un thuyết phục chính quyền trong nước về việc tiếp tục quan hệ ngoại giao với Washington.

Cuộc gặp lần thứ 3 giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy sự chuyển bước khôn ngoan của Mỹ, từ cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không” đến cách tiếp cận “từng bước dần dần”. Tổng thống Donald Trump cho biết, hiện, các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vẫn còn đang duy trì, nhưng Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà không cần đợi đến khi kết thúc tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên.

Cuộc gặp vừa qua giữa Mỹ và Triều Tiên đã giúp nhà lãnh đạo hai nước trở lại không khí tốt đẹp trong đàm phán. Các chuyên gia dự đoán, trong các cuộc đàm phán tiếp theo, Triều Tiên sẽ tiếp tục đưa ra phương án đóng cửa khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, còn Mỹ sẽ đồng ý tạm dừng hoặc xóa bỏ một số biện pháp trừng phạt theo hướng tiếp cận từng bước.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huong-tiep-can-moi-trong-dam-phan-my-trieu-tien/