Hương quế từ bản Dao

Gần hai chục năm nay, cây quế có giá trị thương phẩm cao và được coi là cây thoát nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số miền tây Yên Bái.

Đồng bào Dao ở bản Khe Rộng, xã Kiên Thành (Trấn Yên, Yên Bái) đã biết trồng cây quế từ rất nhiều năm trước. Về nguồn gốc xuất xứ loại cây này thì không ai còn nhớ. Người già trong bản bảo, trong suốt quá trình thiên di của dân tộc Dao, họ đã biết đặc tính của loài quế, minh chứng cụ thể trong nhiều thang thuốc quý của dân tộc mình được các thế hệ đi trước truyền lại đều có sự xuất hiện của loài quế, như: Lá quế, vỏ quế, bộ rễ quế… Ở một khía cạnh sâu xa hơn, có lẽ bắt nguồn từ thời kỳ trung đại, khi chưa di cư sang Việt Nam, đồng bào Dao đã học và nhận biết được giá trị loài quế từ sách dược của người Hán trên đất Trung Quốc (y học phương Đông xem quế là một trong 4 vị thuốc quý: Sâm, nhung, quế, phụ). Với tính vị có vị ngọt, cay, mùi thơm, nóng, có tác dụng bổ hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích nên được sử dụng làm dược liệu, hương liệu chế biến các món ăn. Khi đến định cư tại Việt Nam, họ cũng đã tìm thấy cây quế và đem từ rừng về trồng. Một điểm rất đáng chú ý, cách đây hơn 2.000 năm, các triều đại phong kiến đã coi “quế Giao Chỉ” (Giao Chỉ-tên gọi địa danh một phần lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử, từ thời Hùng Vương đến các kỳ thời Bắc thuộc) như là sản vật quý để trao đổi và triều cống. Ở Trung Quốc, quế được trồng ở các tỉnh miền Nam, như Vân Nam, Quảng Tây... từ lâu đời, người dân vùng này vẫn gọi quế là “Rougui” (Giao Chỉ). Đây cũng là một căn cứ để thấy mối quan hệ họ hàng và xuất xứ của loài quế từ những cánh rừng nhiệt đới ẩm của nước ta. Trước thập niên 1980, quế chưa có giá trị thương phẩm nên chưa được trồng đại trà. Sau khi cây quế dần trở thành hàng hóa, tổng diện tích toàn xã Kiên Thành cả trồng phân tán và tập trung đến nay đã đạt hơn 2.000ha (bình quân đạt hơn 0,5ha/người).

Minh họa: TÔ NGỌC.

Tôi nhớ, những năm của thập niên 1990, thị trường dần mở cửa, cây quế cũng có cơ hội vươn lên thành cây thương phẩm, cả bản Dao Khe Rộng náo nức vỡ đất, vỡ rừng trồng quế. Quế là loài có thể nhân giống được bằng hạt, chiết cành hoặc tách mầm. Việc trồng cây thì đồng bào đã có kinh nghiệm, nhưng giống, vốn lại là thứ mà bà con thiếu nhất. Thế là vài hộ gom nhau lại, hùn vốn, cử người cuốc bộ vượt dãy Con Voi đến cả ngày trời lên “thủ phủ” quế Mỏ Vàng, Viễn Sơn đất Văn Yên để mua vài ki-lô-gam hạt quế về gieo, còn đám trẻ con chúng tôi thì được giao nhiệm vụ nhặt hạt quế. Thời kỳ đó, trong bản còn rất nhiều cây quế “cụ”, to chừng cỡ hai người ôm, ra nhiều hoa và quả, khi quả còn non xanh đã chuyển sang màu tím than, hơi có màu đen, và thịt trở nên mềm cũng là lúc thu hoạch. Nhưng chúng tôi không thể trèo lên vì thân quế trơn, đành phải cầu may một cách rất tự nhiên là nhờ những đàn chim chào mào. Chào mào thì nhiều vô kể, từng đàn từng đàn ríu ran trên những bãi quế, chúng rất thích ăn quả quế, ăn xong thải ngay tại chỗ, mặc bên dưới lũ trẻ con hò hét thi nhau nhặt, nhét vào bất cứ túi quần, túi áo, túi vải hay cặp xách... Gần ngôi trường tranh nứa chúng tôi học cũng có vài nhà có mấy cây quế "cụ", đến mùa chào mào tranh nhau quả lao xao một góc rừng thì đầu óc lũ trẻ con ngồi trong lớp chỉ mong đến giờ cô cho ra chơi để chạy ào đi, tranh nhau nhặt hạt quế đem về cho mẹ như một chiến công. Thi thoảng, trong đám hạt mà lũ chào mào thả xuống ấy có những quả xanh còn nguyên cuống, chỉ cần lau vào vạt áo, đưa lên miệng là nhai lẹp chẹp, để cái vị cay cay trong lưỡi, thơm nồng nồng xông vào mũi ấy đã coi như một thứ kẹo ngọt mà chúng tôi được ban phát sau mỗi lần mẹ đi chợ về, mà thường thì, vài tháng mẹ chúng tôi mới đi chợ một lần. Tuổi thơ tôi gắn liền với những lần nhặt hạt quế như thế…

Cây quế là cây công nghiệp lâu năm, vừa cho thu hoạch lâu dài, vừa cho thu hoạch hằng năm. Mỗi năm có hai vụ thu hoạch quế, vụ đầu năm (từ tháng 3 đến tháng 5) và vụ cuối năm (từ tháng 8 đến tháng 10). Tùy điều kiện và độ lớn của cây mà đồng bào có thể thu hoạch kiểu tỉa một số lượng nhỏ hay thu hoạch cả bãi lớn. Chúng tôi gặp hộ gia đình ông Triệu Phú Thịnh cùng các con cháu đang tấp nập lên đồi bóc quế, phơi quế, cả vùng quế trở nên nhộn nhịp hơn, những bãi phơi quế vàng ruộm con đường bê-tông mới mở chạy quanh bản. Tôi hỏi về giá quế thành phẩm, ông Thịnh chia sẻ: Nhờ tận dụng được cả thân, cành, lá, những năm gần đây, giá bán quế cũng ổn định ở mức cao, vỏ quế khô bán với giá trung bình từ 32-40 nghìn đồng/kg, lá quế 2-3 nghìn đồng/kg, thân quế từ 15cm trở lên bán với giá 1,5-1,8 triệu đồng/m3, tinh dầu quế từ 600-800 nghìn đồng/kg... nên đời sống gia đình thêm ổn định và khấm khá hơn.

Nói về chế xuất tinh dầu quế, hiện nay trên địa bàn đã vắng bóng các cơ sở nhỏ, những năm trước, vài hộ gia đình có điều kiện sẽ mua hệ thống nồi hơi về để sản xuất tinh dầu quế. Quá trình này cũng khá đơn giản, lá quế, chi (cành quế) sau khi thu hoạch về được ủ trong kho một thời gian, rồi cho vào nồi hơi đun nấu bằng củi theo nguyên lý chưng cất rượu. Những chi, lá sau khi nấu xong sẽ được tận dụng làm vật liệu đốt lò nên quá trình này không tác động xấu đến môi trường; hơn nữa việc chi, lá quế có hàm lượng tinh dầu rất cao sau khi thu hoạch mà không tận thu sẽ gây bào mòn đất hoặc nguy cơ cháy rừng… Do quá trình phát triển mang tính tự phát, sản lượng thấp, có thời điểm bị thương nhân ép giá nên những cơ sở chế biến tinh dầu quế tấp nập một thời trong bản đã thành hoài niệm. Giờ đồng bào thu hoạch chi, lá quế để bán cho những nhà máy lớn hơn ở xã bạn, gần sông Hồng.

Hỏi về tương lai cây quế trên địa bàn xã, ông Lý Sinh Quyên, Phó bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành cho biết: Cùng với măng tre Bát Độ, cây quế trở thành loại cây chủ lực của xã nhà, tổng diện tích măng tre và quế toàn xã đạt trên 4.000ha. Đều là cây công nghiệp, có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng thúc đẩy, phát triển bộ mặt nông thôn. Cây quế đã trở thành cây bản địa, với diện tích ổn định, hằng năm xã tập trung chỉ đạo trồng bổ sung, thay thế diện tích đã khai thác, tích cực du nhập giống cây mới, có năng suất cao, sức chịu đựng tốt hơn cho nhân dân trồng. Tuy nhiên, đầu ra cây quế vẫn còn là một băn khoăn lớn, chưa có công ty hay đơn vị nào đứng ra bao tiêu cho sản phẩm nên thường được thương lái thu mua nhỏ lẻ, có thời điểm bị ép giá, chưa tương xứng với giá trị và công sức nhân dân bỏ ra cho cây quế…

Trở về nhà, tôi còn nghe thoang thoảng mùi hương quế, thứ hương thơm nồng, cay cay lan trong trí nhớ. Bất chợt đọc một bài báo thấy giá trị của quế trong cuộc sống, từ nguyên liệu dùng để ướp xác trong thời kỳ Ai Cập cổ đại đến những thang thuốc quý, hay chai nước giải khát cũng sử dụng hương liệu quế mà chạnh lòng, biết bao nhiêu lứa quế ấy lớn dần lên theo tuổi thơ của chúng tôi, nó là thu nhập chính của mỗi gia đình, đã nuôi chúng tôi ăn học và trưởng thành!

Ghi chép của LÝ HỮU LƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/huong-que-tu-ban-dao-581803