Hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại

Những năm qua, các doanh nghiệp, HTX, nông dân ở huyện Vân Hồ tích cực ứng dụng công nghệ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Nông dân bản Mường Khoa, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, thu hoạch chè bằng máy.

Huyện Vân Hồ có trên 8.300 ha cây lương thực, hơn 4.300 ha cây ăn quả, 1.409 ha chè và một số cây trồng khác. Nhiều năm trở lại đây, bà con trên địa bàn huyện đưa máy móc, thiết vị vào khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch. Đặc biệt với trồng lúa, đa phần người dân đã thay sức kéo của trâu bò bằng máy cày để làm đất, dùng máy để gieo sạ, sử dụng máy tuốt lúa,...

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, gồm 7 ha trồng hồng giòn cam và quýt. Ông Cao cho biết: Trước kia gia đình chưa lắp đặt hệ thống tưới tốn nhiều công tưới, chăm bón mà lượng nước và phân bón lại không được tưới đồng đều giữa các cây. Sau đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy bơm và lắp đặt hệ thống tưới. Giờ đây, việc chăm bón đã dễ dàng, tiết kiệm nhiều công sức, cây trồng tăng năng suất khoảng 20%, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Xã Chiềng Khoa là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn, việc ứng dụng máy móc trong sản xuất được các hộ nông dân chú trọng, anh Ngần Văn Quấn, bản Mường Khoa, xã Chiềng Khoa, chia sẻ: Trước kia khi chưa có máy hái chè, một ngày chỉ có thể hái được 30- 40kg. Giờ đây sử dụng máy hái chè, chúng tôi có thể thu hoạch hơn 1 tấn chè/ngày. Không chỉ vậy, dùng máy hái chè còn đảm bảo khung thời vụ, chè được hái đúng lứa tăng sản lượng và năng suất hơn.

Qua thống kê, toàn huyện Vân Hồ hiện có trên 2.500 máy xới đất, trên 2.000 máy xay xát sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch và hơn 15.000 các loại máy sản xuất trong nông nghiệp khác như: Máy bơm, máy phun, máy băm cỏ... Có 15 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới sản xuất chủ yếu là trồng rau, dâu tây, hoa công nghệ cao, tổng diện tích là 20.418 m2; có 10 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, tổng diện tích là 7,1 ha, chủ yếu tưới phun cho rau, tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn quả.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giải phóng sức lao động, việc gieo trồng, thu hoạch được đảm bảo khung thời vụ. Các loại cây trồng được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa, sản phẩm không chỉ tăng năng suất từ 10 - 15%, mà còn giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công.

Bên cạnh đó, huyện Vân Hồ còn tích cực phối hợp với các cơ quan, các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư các cơ sở chế biến, đảm bảo ổn định đầu ra, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 nhà máy chế biến chè, 3 xưởng chế biến măng, 2 nhà máy chế biến rau và hoa quả tươi...

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, cùng việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần đưa Vân Hồ trở thành huyện phát triển nhanh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Hoa

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/huong-den-san-xuat-nong-nghiep-hien-dai-6E5ptNISR.html