HTX khó phát triển bứt phá vì thiếu truyền thông?

Hiện nay, có rất nhiều hợp tác xã (HTX) đã và đang hoạt động sản xuất rất hiệu quả, phân phối ra thị trường tương đối tốt, tuy nhiên đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Có không ít HTX hiện nay vẫn đang phải trăn trở vì sản xuất lớn, sản phẩm nhiều nhưng đầu ra chủ yếu chỉ là các chợ truyền thống, cửa hàng, doanh thu không được bao nhiêu bởi thiếu khả năng truyền thông.

Ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, nhận thức của người tiêu dùng, thị trường đối với các HTX, sản phẩm của HTX còn rất hạn chế. Các sản phẩm phân phối đi chủ yếu là qua các kênh siêu thị, cửa hàng, các bếp ăn trường học, bệnh viện,... theo hợp đồng chứ chưa thực sự được người mua hàng chú ý đến.

Từ thực trạng thiếu thương hiệu

Thực tế thì sản phẩm nông sản của các HTX sản xuất ra chủ yếu phân phối vào hệ thống các kênh nhờ sự kết nối tiêu thụ, hoạt động xúc tiến thương mại của của các tổ chức đoàn thể Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Liên minh HTX,... chứ chưa thực sự có được sự tiêu thụ trực tiếp từ nguồn. Người tiêu dùng, dù hay mua các sản phẩm của HTX được bày bán trong các siêu thị về sử dụng hàng ngày nhưng hầu hết đều chỉ coi đó là nông sản bình thường, chưa quan tâm nguồn gốc đến từ các HTX.

Rau quả HTX khi bày bán tại siêu thị được nhiều người chọn mua nhưng không ai biết đến thương hiệu.

Điều này đã gây ra sự hạn chế rất lớn về tiêu thụ đối với các HTX. Ông Thám cho biết, truyền thông - thương mại là vấn đề mà các HTX đang yếu nhất. Ngay như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, dù hoạt động sản xuất, tiêu thụ cũng khá mạnh và đều đặn, sản lượng bán ra mỗi ngày từ 2 - 3 tấn, tuy nhiên chủ yếu cũng chỉ tiêu thụ ở các kênh liên kết, hoặc nếu có người tiêu dùng mua trực tiếp thì cũng là do nghe tiếng HTX.

"Người ta đến thăm vườn, thấy và mua thôi, chứ mang đi giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng để làm thương hiệu cho HTX thì chưa làm được. Không chỉ vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện cũng cho kết quả chẳng hề khả quan. Các hoạt động khuyến mãi dù có được triển khai thì cũng chỉ như mang đi cho thêm người mua chứ chưa biết thực hiện, tổ chức xong thì hiệu quả đến đâu.” ông Thám nói.

Khảo sát của VnBusiness về ý kiến người mua tại các siêu thị, điểm bán lẻ tiêu thụ các sản phẩm nông sản HTX như hệ thống Big C, Winmart,... cũng cho thấy, người tiêu dùng hầu như chưa thực sự biết hay chú ý đến thương hiệu của các HTX.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi, đến từ Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bản thân thường đi mua sắm các mặt hàng thực phẩm ở siêu thị Big C Thăng Long và thường xuyên mua rau tại các quầy trưng bày rau, củ quả đến từ các HTX. Tuy nhiên khi được hỏi có biết về HTX nào không thì câu trả lời là không thực sự nhớ được tên của đơn vị nào.

“Tôi thường xuyên mua hàng ở đây, tôi cũng thường chọn mua các loại rau củ đến từ các HTX vì giá cả tốt lại sạch sẽ, tuy nhiên để hỏi là có biết cụ thể thương hiệu HTX nào không thì tôi thật sự không nhớ.” chị Tuyết chia sẻ.

Anh Lê Đức Thắng (33 tuổi, đến từ Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi thường mua các loại rau cải ngọt, rau muống, rau mồng tơi, rau gia vị đóng thành từng túi ở các siêu thị, tôi cũng biết đó là rau đến từ các HTX do có đọc qua thông tin in trên bao bì nhưng cụ thể sản phẩm đến từ các HTX nào thì tôi không rõ.”

Được biết, các nông sản của HTX đang có sức tiêu thụ ngày càng tốt, nhiều HTX cũng nỗ lực đổi thay, theo đuổi những mô hình mới, nông nghiệp sạch hiện đại để mang đến sản phẩm có chất lượng cao hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chưa chú trọng đến truyền thông để thị trường biết nhiều hơn đến thương hiệu khiến những cố gắng cải thiện chất lượng của các HTX dường như trở thành “công dã tràng”. Điều này không những không mang lại hiệu quả tiêu thụ mà còn không được người tiêu dùng biết đến.

Đến việc cần sự chủ động truyền thông từ phía các HTX

Vấn đề đã rõ, tuy nhiên để có thể tháo gỡ khó khăn thì không thể chỉ chờ đợi sự thay đổi nhận thức đến từ phía người tiêu dùng mà chính các HTX phải có sự chủ động đầu tư cho truyền thông.

Hiện nhiều HTX cũng đã cho thấy có bước chuyển mình tích cực khi bắt đầu tự tham gia hoặc phát triển hoạt động tiếp thị. Nhiều HTX đã tự đăng ký, ghi danh góp mặt vào các gian hàng giới thiệu sản phẩm; hội nghị, hội thảo tiêu dùng; hội chợ xúc tiến thương mại...

Tài khoản Tiktok "Nông sản xứ Lạng" có hơn 685 nghìn người theo dõi.

Tiêu biểu trong tháng 10 vừa qua, “Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực phía Bắc năm 2023” tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia tích cực của gần 300 gian hàng của các HTX đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Các gian hàng được đầu tư trưng bày chỉn chu, đẹp mắt, có các hoạt động giới thiệu, cho dùng thử sản phẩm,... đã tạo những hiệu ứng vô cùng tích cực, giúp nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thương hiệu của các HTX sản xuất, chế biến.

Không chỉ thực hiện bằng phương pháp truyền thống, nhiều HTX cũng đã bắt đầu biết tạo dựng cho mình những phương thức tiếp thị riêng trên môi trường số như thiết kế bộ nhận diện, logo riêng; xây dựng những trang web riêng cho đơn vị và thường xuyên đăng tải hình ảnh; phối hợp tích cực với báo chí - truyền hình để thông tin, quảng bá, chia sẻ;... Thậm chí, có những đơn vị đã bắt đầu tự xây dựng những tài khoản trang mạng xã hội, trang thông tin thương mại điện tử cho mình.

Những trang mạng xã hội lớn hiện nay như Facebook, Tiktok,... cũng được đánh giá là loại phương tiện có thể truyền thông vô cùng hiệu quả cho HTX. Trên thực tế nhiều tổ chức nông nghiệp tại tỉnh, thành cũng đã xây dựng tài khoản thương hiệu nông sản bản địa trên các nền tảng trên và thu về nhiều sự quan tâm, tạo được tiếng vang lớn đến với thị trường.

Đơn cử như tài khoản Tiktok “Nông sản xứ Lạng” thường xuyên đăng tải các video ngắn và livestream bán các mặt hàng nông nghiệp của Lạng Sơn hiện có tới 12,9 nghìn lượt thích và 685,4 nghìn lượt theo dõi. Hay như trang Facebook “HTX Chè Sơn Minh - Thái Nguyên” của HTX nông nghiệp Chè Sơn Minh (Thái Nguyên), thường xuyên đăng tải hình ảnh vườn trồng, các video về hoạt động sản xuất, cập nhật phản hồi của khách hàng,... cũng thu hút được hơn 3,6 nghìn lượt người theo dõi.

Tiếp cận với các phương pháp truyền thông, tiếp thị mới với các HTX trên thực tế là không dễ do những người làm HTX chủ yếu có xuất thân từ ngành nông nghiệp, không thật sự tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin, mạng xã hội. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, nếu muốn phát triển được cần phải có sự chủ động, mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn lực trẻ, năng động cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu để các HTX phát triển các hoạt động truyền thông và tiếp thị.

Ông Hoàng Văn Thám cho biết, HTX mong muốn thành lập một bộ phận marketing (tiếp thị), chăm sóc khách hàng tại trụ sở HTX Rau quả sạch Chúc Sơn để xây dựng, nâng cao thương hiệu HTX, thực hiện các chiến dịch giúp mở rộng quy mô thị trường. “Hiện tại, chúng tôi đang minh bạch nguồn thu, đồng thời đưa ra những chính sách đãi ngộ hấp dẫn với mục đích thu hút, tuyển dụng các bạn trẻ mới ra trường, có niềm hứng thú, yêu thích đối với nghề nông nghiệp , từ đó đồng hành hỗ trợ HTX phát triển bền vững.” ông Thám nói.

Xu hướng tiêu dùng sạch, quan tâm đến nông sản Việt của người tiêu dùng hiện nay đang tạo ra cơ hội vô cùng lớn cho các HTX vươn mình. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp với thị hiếu thị trường, giúp người mua biết đến sản phẩm vẫn đòi hỏi các HTX phải có sự chủ động, mạnh dạn hơn nữa, đặc biệt là trong việc phát triển các hoạt động truyền thông, marketing.

Bích Tâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-kho-phat-trien-but-pha-vi-thieu-truyen-thong-1096684.html