Hơn 48.000 ngôi mộ xen lẫn trong các khu dân cư ở Đà Nẵng

Hàng chục năm qua, người dân các quận ngoại thành thành phố Đà Nẵng phải sống chung với mồ mả sát cạnh nhà. Thậm chí, nhiều ngôi mộ nằm ngay trước cửa ra vào. Thành phố Đà Nẵng có kế hoạch gì để chấm dứt cảnh người sống chen chung với người chết?

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở tổ dân cư số 11, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, gia đình chị đến đây sống 7 năm. Khi đến đây ở, xung quanh khu dân cư đã có những ngôi mộ từ lâu đời. Mới đầu đến sống cũng lạnh gáy nhưng lâu rồi quen dần. Tuy nhiên, mồ mả ở xen lẫn với người sống gây mất cảnh quan khu dân cư, thỉnh thoảng người nghiện lợi dụng nơi này để hút, chích. Cứ tối là gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thảo lại phải đóng cửa.

Nhiều ngôi mộ xen lẫn sát với nhà dân

“Dân sống chung với khu mộ như thế này cũng gây khá nhiều bất tiện cho người dân về vấn đề đi lại. Người ta tới cúng về phần âm rồi đốt vàng mã bay mù mịt cũng hơi bất tiện, khói cũng ảnh hưởng. Khi sống gần khu tha ma như vậy thì tâm lý cũng bất an. Mong muốn của tôi cũng như những người dân sống ở khu vực này là di dời khu tha ma này ra chỗ hợp lý hơn”. Chị Thảo bày tỏ.

Hiện nay, một số phường ở quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng có rất nhiều khu dân cư, người dân sống chung với mồ mả. Theo thống kê của UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, toàn phường có gần 2.000 ngôi mộ nằm xen lẫn khu dân cư.

Nhiều ngôi nhà mở cửa là thấy mồ mả

Các ngôi mộ tập trung nhiều nhất ở khu vực kiệt, hẻm đường Phạm Như Xương, Mẹ Suốt thuộc tổ dân phố 33, 21 và khu dân cư Cẩm Túc. Tổ 21 nhiều mộ nhất với gần 600 ngôi mộ, tổ 33 có gần 400 ngôi mộ. Hầu hết các ngôi mộ có từ rất lâu.

Khu dân cư hình thành sau các khu mộ này. Dần dà, một số người dân đến đây mua đất, dựng nhà ở. Mới đầu, nhà dân ở cách khá xa các phần mộ. Càng về sau, dân cư đông đúc, nhà cửa bắt đầu mọc lên nhiều, lấn dần đến sát các phần mộ, nghĩa địa. UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo UBND các phường rà soát kiểm đếm các khu mộ xen kẻ khu dân cư để tổng hợp, báo cáo thành phố có phương án di dời.

Cả một nghĩa trang nhỏ trong khu dân cư

Ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, phường đã rà soát, thống kê có 795 ngôi mộ xen lẫn trong các khu dân cư.

“Được sự chỉ đạo của quận Liên Chiểu, các địa phương, trong đó có phường Hòa Hiệp Bắc đã rà soát các khu vực có mộ xen lẫn trong khu dân cư để đề xuất với quận tổng hợp chung, có đề xuất với thành phố cho chủ trương xây dựng Đề án di dời các khu mộ xen lẫn với khu dân cư. Qua đó sử dụng vào mục đích khác cho phù hợp. Hiện nay, phường đã tổng hợp báo cáo về quận qua phòng Tài nguyên và Môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho quận báo cáo cấp có thẩm quyền”. Ông Nhơn nói.

Nghĩa trang họ tộc có trước khi dân cư mua đất làm nhà

Theo số liệu tổng hợp từ Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, cả thành phố có hơn 48.800 ngôi mộ xen lẫn trong các khu dân cư chưa được di dời. Trong đó, 37.000 mộ nằm trong các dự án phải di dời, số còn lại không thuộc dự án nào. Hiện chỉ có 2 quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê là hoàn thành việc di dời mồ mả ra khỏi các khu dân cư, 5 quận huyện còn lại chưa hoàn thành di dời.

Ngày 1/12/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Thông báo yêu cầu UBND các quận, huyện căn cứ quy hoạch và thực trạng mộ xen lẫn trong khu dân cư để xây dựng Đề án di dời mộ xen lẫn trong khu dân cư trên địa bàn quản lý, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. UBND các quận, huyện đang triển khai thực hiện. Sở Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc UBND quận, huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Thông báo này.

Quận Liên Chiểu còn 5700 mộ trên tổng số 8400 mộ xen kẻ trong khu dân cư chưa di dời

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở Thông báo của UBND thành phố, ngày 09/12/2023, Sở Xây dựng đã có Công văn đề nghị UBND các quận huyện căn cứ chủ trương và chỉ đạo UBND thành phố triển khai xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án di dời mộ xen lẫn trong khu dân cư trên địa bàn quản lý, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

“Từ những năm 2010, thành phố đã có chủ trương đối với mồ mả trong khu dân cư thì sẽ di dời tập trung về các nghĩa trang của thành phố. Trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng, UBND thành phố có các giải pháp. Thứ nhất, đối với mồ mả thuộc các dự án thì sẽ tiến hành di dời theo tiến độ thực hiện các dự án. Thứ hai, đối với mồ mả xen kẻ trong khu dân cư, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện xây dựng Đề án cụ thể. Trong đó xác định lộ trình cũng như kinh phí hàng năm tiến hành đi dời mồ mả xen kẻ trong khu dân cư. UBND thành phố giao Sở Xây dựng đôn đốc và báo cáo tổng hợp” - ông Lê Văn Tuấn cho biết thêm.

Các địa phương lên phương án di dời mộ ra khỏi khu dân cư

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, chủ trương của thành phố là kiên quyết di dời mồ mả ra khỏi các khu dân cư vào các khu nghĩa trang tập trung. Thành phố đã chuẩn bị đất nghĩa trang tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang đủ điều kiện và mặt bằng để di dời số mồ mả xen kẽ các khu dân cư.

Theo ông Nam“Hiện nay, quận Cẩm Lệ còn 2.500 trên tổng số 2900 ngôi mộ trong khu dân cư, nghĩa là mới chỉ di dời khoảng 400 mộ. Huyện Hòa Vang còn 13 ngàn trên tổng số 14.600; Liên Chiểu còn 5700 mộ trên tổng số 8400 mộ. Đặc biệt quận Sơn Trà hiện còn 2390 mộ nhưng chưa thực hiện di dời và sẽ thực hiện trong thời gian đến".

Thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị đủ đất để di dời mồ mả ra khỏi các khu dân cư

"Nội dung này đã có chương trình kế hoạch di dời mồ mả. Sau khi di dời mồ mả thì đất đó sẽ xử lý như thế nào. Vấn đề này cũng đã có kế hoạch. Chỗ nào có thể giao đất cho người dân thì thực hiện, chỗ nào xây dựng khu vực công cộng nếu diện tích đất vừa đủ hoặc làm công viên cây xanh hoặc hạ tầng xã hội” - ông Lê Quang Nam khẳng định.

Thanh Hà/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hon-48000-ngoi-mo-xen-lan-trong-cac-khu-dan-cu-o-da-nang-post1091454.vov