Hơn 4 tỷ đồng tu bổ điện Phụng Tiên trong Đại nội Huế

Với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, điện Phụng Tiên thuộc Đại nội Huế sẽ được phục hồi cổng, bình phong, non bộ, bể cạn…, qua đó nhằm bảo tồn những vết tích còn lại của công trình quý giá này.

Ngày 7/1, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn Di sản văn hóa phi lợi nhuận, Fulda (CHLB Đức) tổ chức lễ bàn giao dự án hợp tác bảo tồn và phục hồi công trình cổng, bình phong và non bộ kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên (Đại nội Huế).

Cổng vào điện Phụng Tiên sau khi phục hồi. Ảnh: Thế Anh

Theo tìm hiểu, điện Phụng Tiên là một trong 5 miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Điện Phụng Tiên là nơi thờ tự các Vua và Hoàng hậu của triều Nguyễn (từ vua Gia Long đến vua Khải Định), là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hàng ngày.

Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên đã đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong, non bộ- bể cạn, 5 cổng nhỏ phía bắc và bình phong phía sau của Điện nhưng trong tình trạng hư hại nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Tổn thất lớn này đã làm giảm đáng kể giá trị nghệ thuật của toàn bộ công trình và sự hoang phế qua nhiều năm đã đe dọa các cấu trúc còn lại của điện.

Bộ trưởng Bộ VHTTD- Nguyễn Ngọc Thiện khảo sát công trình. Ảnh: Thế Anh

Dự án được thực hiện từ cuối tháng 9/2017, với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia đến từ Hiệp hội Bảo tồn Di sản văn hóa phi lợi nhuận Fulda và nguồn tài trợ về kinh phí của Bộ Ngoại giao Đức. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 4,3 tỷ đồng, trong đó phía Đức tài trợ hơn 3,4 tỷ đồng.

Dự án bảo tồn gồm 2 giai đoạn, gồm phục hồi cổng, bình phong tại điện Phụng Tiên hoàn chỉnh với những hoa văn, họa tiết tinh tế bằng “kỹ thuật fresco” (kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt), vữa màu và các kỹ thuật secco đã được sử dụng trong các công trình, kiến trúc triều Nguyễn. Phục hồi, tôn tạo non bộ- bể cạn nhằm đảm bảo tính nguyên gốc và sử dụng các phương pháp chống thấm an toàn.

Bên cạnh đó, dự án cũng kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho 7 học viên, họ là những thợ kép, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và thợ nề ngõa truyền thống được tuyển chọn từ các công ty tu bổ di tích tại Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô và các địa phương.

Một điều đáng ghi nhận nữa là việc phát triển kỹ thuật tiên tiến để bảo tồn và phục hồi tại chỗ các bức tranh pháp lam độc đáo. Các phương pháp can thiệp đã mang lại một cơ sở lý thuyết cơ bản, có thể được tham khảo để so sánh với các phương pháp phục hồi di tích. Đặc biệt, kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi tươi lần đầu tiên được sử dụng trong công tác bảo tồn và phục hồi, sẽ mang lại những lợi ích lớn cho các hoạt động bảo tồn sau này.

Dự án đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương và Bộ Ngoại giao CHLB Đức, Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội cũng như của các tổ chức nghiên cứu chuyên môn đến từ Đức trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế.

Được biết, dự án đã được trao giải Ba tại Giải thưởng Sáng tạo KH&CN toàn quốc năm 2018.

Thế Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hon-4-ty-dong-tu-bo-dien-phung-tien-trong-dai-noi-hue-85780.html