Hơn 200 cán bộ y tế nghỉ việc: Bình thường hay bất thường?

PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng hơn 200 cán bộ y tế nghỉ việc trong vòng 1 năm tại một bệnh viện công lập là bất thường.

PGS Nam cho biết từ trước tới nay chuyện bác sĩ nghỉ ở bệnh viện công sang bệnh viện tư làm việc không phải ít nhưng thường rải rác, mỗi năm chỉ vài người đã là hiện tượng cần xem lại.

Nhưng quan sát trường hợp tại BV Bạch Mai, bác sĩ Nam cho rằng không thể chỉ đơn giản là nghỉ việc tìm môi trường mới mà đây có thể là tiếng chuông cảnh báo hiện tượng chảy máu chất xám vì bệnh viện này là bệnh viện lớn, rất nhiều bác sĩ giỏi, thậm chí nhiều bác sĩ cũng được đào tạo bằng kinh phí của nhà nước.

Nhìn vào hiện tượng nghỉ việc ở BV Bạch Mai có thể thấy nhiều bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công bởi vì họ không hợp với cơ chế chính sách mới của ban lãnh đạo nhất là một lãnh đạo mới muốn đổi mới quá nhanh cũng có thể gây ra hệ lụy đối với cơ chế cũ, bộ máy cũ.

Nhiều lý do bác sĩ chuyển việc.

Ngày trước, lý do chuyển việc được bác sĩ hay nhắc tới là vấn đề lương. Nhưng với điều kiện hiện nay thì nhân viên y tế chuyển dịch như này không hẳn là lý do lương thấp với nhiều bác sĩ mà do môi trường công việc.

Từng làm việc trong môi trường nhà nước, ông Nam hiểu được những gì diễn ra trong môi trường bệnh viện công lập. Các giám đốc bệnh viện chưa coi bác sĩ là “khách mời danh dự”, mời họ về làm việc mà các giám đốc còn có quan niệm ban phát việc làm cho người khác kiểu “tôi đang cho anh được làm việc đó”.

PGS Nam cho rằng người càng giỏi họ càng kiêu hãnh, họ không muốn phải ẩn nhẫn. Lãnh đạo giỏi là lãnh đạo biết trọng dụng nhân tài, hãy coi họ là khách mời của đơn vị mình để đối đãi và phát triển được tài năng của họ.

Theo PGS Nam, không phải bác sĩ ra ngoài bệnh viện tư làm là sướng. Có những bệnh viện tư mới thành lập, bác sĩ nhận lương tháng cả trăm triệu đồng nhưng chỉ được 2,3 tháng không có bệnh nhân là bác sĩ lại phải chịu áp lực rất lớn đó là “doanh thu” cho bệnh viện. Nhiều bác sĩ nhảy ra ngoài bệnh viện tư nhưng sau đó lại “cù bất, cù bơ” không biết làm gì bởi không phải bác sĩ nào cũng có khả năng kêu gọi được người bệnh đến bệnh viện mình đang làm việc khám chữa bệnh để tăng doanh số cho họ.

Bản thân quản lý một bệnh viện tư, PGS Nam cho rằng tất cả những gì bác sĩ cần làm là phục vụ bệnh nhân nhưng họ vẫn cần một môi trường để cống hiến chứ không phải là quan điểm ban ơn.

Một bác sĩ từng làm việc tại bệnh viện công lớn ở Hà Nội cũng chia sẻ về việc mình phải ra đi dù rất buồn khi đã gắn bó 20 năm tại đây. Lý do là môi trường làm việc quá mệt mỏi.

"Đã có lúc tôi tự hỏi liệu sếp có khi nào nghĩ xem y bác sĩ chúng tôi đã làm cho bệnh viện những gì thay vì chỉ nghĩ bệnh viện đang cho tôi công việc, tiền lương”, chị nói.

Cơ chế làm việc ban – cho vẫn còn in sâu tại nhiều cơ sở công lập.

Thậm chí, không ít bác sĩ mất 3/4 thời gian chỉ để đi “đỡ đòn” lẫn nhau khiến người bác sĩ vừa làm vừa lo.

Trong khi đó ở bệnh viện tư hiếm khi chuyện này xảy ra.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/hon-200-can-bo-y-te-nghi-trong-1-nam-qua-bat-thuong-281759.html