Hơn 2/3 doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động

Khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động, tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp nước này đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Ông Takimoto Koji (đứng), Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, chia sẻ thông tin về kết quả khảo sát với báo chí tại TPHCM. Ảnh: Hùng Lê

Đây là kết quả cuộc khảo sát về tình hình hoạt động năm 2017 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện và công bố vào ngày 6-2.

Điểm đến cho mục tiêu mở rộng kinh doanh

Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, cuộc khảo sát cho thấy Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản.

Có 69,5% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng họ muốn mở rộng hoạt động là vì doanh thu tăng (khoảng 88%); khoảng 46% nhận thấy hoạt động động kinh doanh có sự tăng trưởng, tiềm năng cao (trong khối phi chế tạo, có khoảng 60% số doanh nghiệp đồng tình với điều này); hơn 27,3% cho rằng có nhiều hơn mối quan hệ với các đối tác là lý do họ quyết định mở rộng hoạt động.

Đây là năm thứ ba liên tiếp cuộc khảo sát cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh nhiều nhất. Và cuộc khảo sát lần này cho thấy số doanh nghiệp muốn mở rộng cao hơn hết, bởi năm 2016 thì số doanh nghiệp muốn mở rộng là 66,6% và ở năm 2015 là 63,9%.

Bên cạnh đó, khảo sát còn cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam đánh giá cao về 3 yếu tố: quy mô thị trường, tính tăng trưởng; tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí nhân công rẻ của Việt Nam. Rất ít doanh nghiệp cho rằng "rào cản ngôn ngữ là không đáng kể".

Một điểm đáng chú ý trong cuộc khảo sát này theo ông Takimoto Koji đó là tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam "có lãi" chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm trước. Và lợi nhuận của hoạt động gia công xuất khẩu (EPE) tương đối tốt.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện JETRO TPHCM cũng chỉ ra những mối lo ngại mà các nhà đầu tư Nhật Bản nêu ra khi hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Chi phí nhân công tăng cao là rủi ro lớn nhất (hơn 60% doanh nghiệp nước này lo ngại). Các vấn đề về mặt hành chính như "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng"; "cơ chế thuế, thủ tục thuế"; "thủ tục hành chính phức tạp", tiếp tục được nhiều doanh nghiệp chỉ ra là những vấn đề cần phải được nhanh chóng cải thiện.

Một điểm đáng chú ý và luôn được cho là điểm yếu khi đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp xứ hoa anh đào đó là tỷ lệ cung ứng nội địa vài năm gần đây ở ngưỡng 30%, không thấy sự thay đổi lớn so với năm trước. Ông Takimoto Koji kiến nghị cần tiếp tục có các đối sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vốn tăng gấp 7 lần

Một điểm đáng chú ý về nguồn vốn cam kết đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong năm qua tăng cao đột biến. Theo JETRO, Nhật Bản đứng đầu về số vốn cấp phép, tăng gấp 7 lần so với năm trước đó, chiếm trên 1/3 tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể nước này trong năm qua có 367 dự án được cấp với tổng vốn đăng ký là 7,746 tỉ đô la Mỹ, bằng 555,4% so với năm trước đó.

Ngoài ra, trong năm qua, Nhật Bản có gần 200 dự án đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt 895 triêu đô la. Như vậy, tính chung, tổng vốn đầu tư năm 2017 của doanh nghiệp nước này đạt mức kỷ lục với 8,64 tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo ông Takimoto Koji, nguồn vốn tăng cao đột biến này chủ yếu từ sự đóng góp của ba dự án về cơ sở hạ tầng gồm hai dự án nhiệt điện là Vân Phong 1 (Khánh Hòa) có vốn đăng ký 2,58 tỉ đô la Mỹ và dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa với tổng vốn đăng ký hơn 2,79 tỉ đô la Mỹ. Một dự án đầu tư khác là dự án khí Ô Môn (lô B) với vốn đầu tư 1,278 tỉ đô la do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí lô B-Ô Môn tại Kiên Giang.

Nếu loại trừ ba dự án có quy mô vốn lớn nói trên thì dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không có tính đột biến so với những năm gần đây, tuy nhiên vốn đầu tư nước này giảm vào khối chế tạo, tăng vào lĩnh vực bất động sản. Cụ thể số dự án vẫn hướng vào ngành chế tạo chiếm nhiều nhất khoảng 40%; kế đến là bất động sản chiếm 23%; phân phối bán lẻ; khách sạn ăn uống; kho bãi-vận chuyển; xây dựng 5%,...

Thời gian khảo sát được thực hiện từ ngày 10-10 đến ngày 10-11-2017, đối tượng là gần 12.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, có 1.345 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia cuộc khảo sát, trong đó 652 doanh nghiệp đưa ra câu trả lời hợp lệ (chiếm 48,5%). Theo JETRO, đây là một tỷ lệ khá cao. Nhờ những thông tin mà các doanh nghiệp cung cấp, JETRO đã có những số liệu, thông tin cụ thể để hiểu hơn về tình hình hoạt động, những khó khăn, nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như các nước bản địa nói chung.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/268831/hon-23-doanh-nghiep-nhat-muon-mo-rong-hoat-dong.html